Ước lượng phạm vi dự án Amata City Long Thành trên google map
Theo đồ án quy hoạch chung, Khu phức hợp công nghiệp đô thị - dịch vụ Long Thành (tên thương mại (Amata City Long Thành) có tổng diện tích 2.559 ha gồm một phần địa giới hành chính của: Xã Tam An (1.860 ha), xã An Phước (495 ha), thị trấn Long Thành (150 ha) và xã Phước Thiền - huyện Nhơn Trạch (54 ha).
Quy mô sử dụng đất xây dựng đến năm 2035 vào khoảng 1.530,9 ha, bao gồm: Đất dân dụng khoảng 836 ha, chỉ tiêu khoảng 98,4 m2/người và đất ngoài dân dụng khoảng 694,8 ha.
Đến khi lấp đầy thì tổng diện tích đất xây dựng khoảng 2.213,9 ha, (chiếm 86,5 - 87,9% tổng diện tích đất tự nhiên khu vực quy hoạch), bao gồm: Đất dân dụng khoảng 1.457,3 ha, chỉ tiêu khoảng 97,2 m2/người và đất ngoài dân dụng khoảng 756,6 ha.
Khu phức hợp công nghiệp đô thị - dịch vụ Long Thành phát triển theo mô hình là sự kết hợp giữa khu vực ở, nghỉ ngơi, thể thao, giải trí và khu làm việc - sản xuất hiện đại nhằm phục vụ cho sự trao đổi, hợp tác và thương mại, liên quan đến các sản phẩm mang tính nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cao.
Toàn khu quy hoạch gồm chức năng chính như sau:
* Khu công nghiệp công nghệ cao được giới hạn bởi tuyến đường số 3, đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây và đường Nguyễn Du;
* Khu nghiên cứu phát triển bố trí thành 02 khu vực tập trung, khu 01 tiếp giáp khu công nghiệp công nghệ cao, nhằm tận dụng và khai thác những lợi thế sản phẩm nghiên cứu - sản xuất, khu 02 nằm phía Bắc sông Ông Đẩu, gắn với khu trường đào tạo (bố trí phía Nam sông Ông Đẩu) nhằm tạo ra mối liên hệ giữa học tập, đào tạo - thực hành và sản xuất;
* Các khu đô thị phân bố thành từng cụm độc lập được bao bọc bởi không gian cây xanh mặt nước và gắn kết với nhau bằng khung giao thông chính đô thị, giao thông trong từng cụm sẽ được tổ chức theo mạng ô bàn cờ đảm bảo kết nối thuận lợi theo các tầng bậc. Các khu đô thị với nhiều mô hình linh hoạt phục vụ nhiều loại hình đối tượng khác nhau:
Khu vực giữa đường số 1 và suối Nước Trong, hình thành đô thị mật độ cao, bố trí các khu nhà ở chuyên gia, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và các khu dân cư trung cấp.
Khu vực từ Hương lộ 2 đến đường số 1 hình thành các khu trung tâm, khu đô thị và các khu dịch vụ cao cấp mật độ trung bình giảm dần từ đường số 1 ra đến sông.
Khu vực ven sông Đồng Nai bố trí các khu đô thị sinh thái và khu dịch vụ cao cấp mật độ thấp.
Khu trung tâm bố trí theo hai tầng bậc: Trung tâm cấp vùng bố trí tại nút giao đường 319, Hương lộ 2 với cao tốc Long Thành - Dầu Giây và tại nút giao đường N7 với Hương lộ 2, trung tâm cấp đô thị được bố trí tập trung tại trung điểm từng cụm đô thị chạy dọc theo các trục giao thông chính.
Không gian mở được tạo thành các vòng khép kín bao quanh các cụm đô thị và kết nối thành khung liên hoàn gắn với không gian mở ven sông Đồng Nai.
Đối với định hướng phát triển các trung tâm chuyên ngành thì phát triển 03 trung tâm dịch vụ thương mại cấp vùng có tổng diện tích khoảng 132,9 ha, mật độ xây dựng từ 30 - 50%, gồm:
Trung tâm thương mại đầu mối cấp vùng tại điểm giao Hương lộ 2 với tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây (từ 12 - 25 tầng, công trình điểm nhấn có thể cao khoảng 35 tầng);
Trung tâm dịch vụ thương mại tại điểm giao hương lộ 2 với đường N7 (từ 10 - 18 tầng) ;
Trung tâm dịch vụ thương mại và văn phòng cho thuê trên tuyến N7 giữa khu công nghiệp và trường đào tạo (từ 18 - 35 tầng).
Đồ án Khu phức hợp công nghiệp đô thị - dịch vụ Long Thành do Công ty Cổ phần Amata (Việt Nam) làm chủ đầu tư.
Khu phức hợp công nghiệp đô thị - dịch vụ Long Thành có phía Đông giáp thị trấn Long Thành, phía Tây giới hạn bởi sông Đồng Nai giáp TP.HCM, phía Bắc giáp xã Tam Phước thành phố Biên Hòa, phía Nam giáp huyện Nhơn Trạch.