10/09/2018 8:33 AM
CafeLand - Đây là chia sẻ của ông Mahmound Al Bruai từ Dubai, Giám đốc điều hành, Viện Bất động sản Dubai, Dubailand, UAE về câu chuyện xây dựng thành phố thông minh – thành phố hạnh phúc tại Hội nghị IREC 2018 vừa qua.

Trên thực tế, có những thành phố mà ở đó, các khu ổ chuột vẫn nằm sát bên cạnh những toà nhà chọc trời. Thế giới mà chúng ta đang sống có quá nhiều áp lực hạ tầng cũng như nguồn lực, tốc độ đô thị hoá, tốc độ tăng trưởng nhanh, đặc biệt là dân số. Năm 2020, dân số thế giới dự kiến hơn 9 tỉ người. Câu chuyện đặt ra là làm thế nào để có thể đảm bảo việc quản lý tại các đô thị? Bất động sản có phải là ngành hướng đến trách nhiệm xã hội, tạo ra những giá trị bền vững, giúp con người sống hạnh phúc hay không?

Tôi cho rằng, ngành bất động sản phải dẫn đầu các lĩnh vực trên thế giới về đổi mới, sáng tạo, giúp con người có được sự hạnh phúc. Tôi cũng muốn tìm hiểu rằng, một thành phố hạnh phúc thì có đặc điểm như thế nào, và để tìm câu trả lời cho riêng mình, tôi đã đến 2 thành phố được đánh giá là hạnh phúc nhất ở Đan Mạch và Phần Lan. Và tôi đã rất ngạc nhiên khi đường phố ở đây rất vắng vẻ. Tôi đặt câu hỏi: Tại sao lại thế, vì tôi cứ nghĩ rằng thành phố hạnh phúc thì phải rất đông vui nhộn nhịp.

Nhưng không. Đô thị hạnh phúc nghĩa là con người hạnh phúc. Người dân muốn đô thị của mình như thế nào thì thành phố ấy sẽ trở nên như thế. Người dân muốn đô thị thông minh, hạnh phúc thì người dân phải thông minh, hạnh phúc. Chúng ta không thể quên vai trò của người dân. Chúng ta xây dựng đô thị cho người dân của mình chứ không phải cho xe hơi, hay những thứ khác.

Ông Mahmound Al Bruai từ Dubai, Giám đốc điều hành, Viện Bất động sản Dubai.

Để phát triển Dubai thành một đô thị hạnh phúc, chúng tôi đã đưa chương trình nghị sự về hạnh phúc vào các cuộc bàn luận của chính phủ và thậm chí đã có một chức danh là Bộ trưởng Hạnh phúc.

Chúng tôi yêu cầu các bộ, ngành phải đảm bảo rằng mang lại sự hài lòng và hạnh phúc cho những người mà các bộ, ngành đó phục vụ. Người dân thậm chí còn được đánh giá các dịch vụ bằng các biểu tượng cảm xúc và chính phủ có thể biết được là người dân hài lòng đến đâu, không hài lòng ở chỗ nào. Với sự cam kết mạnh mẽ của chính phủ, chúng tôi ghi nhận sự thay đổi rõ rệt về mức độ hài lòng của người dân.

Chúng ta phải tính đến các yếu tố từ người dân và lấy người dân làm trung tâm khi muốn phát triển đô thị hạnh phúc. Hãy nghĩ đến đô thị như một ngôi nhà, với rất nhiều các căn phòng, và trong đó là một gia đình. Gia đình đó luôn cần phải kết nối với nhau và kết nối với hàng xóm của họ. Nghĩa là, một đô thị thông minh là đô thị có thể giúp con người được kết nối với nhau một cách dễ dàng.

Nhân tố đem lại hạnh phúc chính là "bền vững". Khi xây dựng đô thị, chúng ta có thể xây dựng hạ tầng, nhà cửa dựa trên một mật độ xây dựng phù hợp. Cần đề cao các không gian cho sinh hoạt cộng đồng.

Sự gắn kết giữa người với người, với xã hội là nhân tố làm nên thành phố hạnh phúc. Điều này đã được thể hiện qua một số nghiên cứu, khi những người dân được kết nối với nhau sẽ hạnh phúc và sống lâu hơn. Những đô thị hạnh phúc là những đô thị có mức độ tin tưởng cao. Do vậy, cần có những thiết chế tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau.

Chúng ta phải dành nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng đô thị nhưng cũng phải lưu ý đến môi trường và giữ gìn môi trường. Jan Gelh, tác giả cuốn sách "Cities for People" đã nói rằng: Hãy xây dựng các thành phố cho con người, vì con người. Tôi cho rằng, đó chính là cốt lõi của các đô thị hạnh phúc.

Một quốc gia phát triển không phải là nơi mà người nghèo có xe hơi mà là nơi người giàu đi phương tiện công cộng. Nếu xây dựng các đô thị cho các phương tiện giao thông thì các thành phố trên thế giới sẽ chỉ ngày càng có nhiều ô tô hơn. Còn nếu tập trung xây dựng đô thị cho con người thì con người sẽ có nhiều hơn cơ hội được giao tiếp với nhau, kết nối với nhau.

Những số liệu thống kê từ Hà Lan cho thấy, người đi xe đạp hạnh phúc hơn đi xe hơi. Những phương tiện giao thông cũng tác động đến hạnh phúc của con người. Nhân tố nữa mang lại hạnh phúc là xây dựng hạ tầng và mảng xanh đô thị. Yếu tố nữa là sự bình đẳng. Sự bất bình đẳng gia tăng sẽ giảm hạnh phúc.

Theo nghiên cứu, nếu xây dựng quốc gia mang yếu tố thể chế hòa nhập, quốc gia sẽ thành công. Ngược lại, quốc gia xây dựng thể chế cho người giàu, quốc gia đó sẽ thất bại. Ở các thành phố, người dân phải có khả năng tiếp cận với phúc lợi xã hội, với khả năng sở hữu nhà. Một thành phố mà người dân không có khả năng có nơi ở thì không thể gọi là một thành phố hạnh phúc.

  • Bảy giải pháp phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam

    Bảy giải pháp phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam

    CafeLand - Tại phiên giới thiệu về đô thị thông minh trong khuôn khổ IREC 2018, TS. Nguyễn Tường Văn, Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), đã chỉ ra những vấn đề trong câu chuyện phát triển đô thị tại Việt Nam. Ông đã đưa ra 7 giải pháp ứng dụng phát triển đô thị thông minh, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững.

Tâm An (Lược ghi)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.