3.260km bờ biển là một tiềm năng để phát triển đô thị biển Việt Nam. Nhưng song hành với đó là bài toán biến đổi khí hậu.

Hiện tại, con số các đô thị từ cấp quốc gia, cấp vùng, cấp khu vực gắn với cửa sông, cửa biển ở Việt Nam vào là khoảng 130. Nhiều chương trình hỗ trợ và phát triển các đô thị biển như: xây dựng 15 đặc khu kinh tế biển, 16 khu bảo tồn sinh thái biển, quy hoạch tuyến đường ven biển...nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả. Lý giải, GS.TS Hoàng Đạo Kính tóm tắt ba vấn đề tồn đọng trong phát triển đô thị biển của Việt Nam.

Thứ nhất là việc nghiên cứu và quy hoạch hệ thống các đô thị biển chưa được đầu tư hợp lý. Theo kế hoạch đến ngày 31/12/2012, bộ cơ sở dữ liệu nền về thông tin địa lý sẽ hoàn thành. Nhưng còn thông tin cụ thể của đô thị thì vẫn chưa được tập hợp.

Vấn đề thứ hai là thiếu vắng sự giám sát về môi trường tại các đô thị ven biển. Theo khảo sát của các nhà khoa học biển Việt Nam gần đây, ô nhiễm do chất thải từ khu dân cư ven biển đang trong tình trạng báo động. Đơn cử là Nha Trang, Hạ Long đang vướng phải tình trạng quy hoạch lộn xộn và ý thức giữ gìn môi trường kém từ một số khách sạn, thuyền bè.

Thứ ba là sự thiếu kiểm soát của chính quyền mỗi thành phố. Chưa định hình được tầm nhìn dài hạn, nhiều thành phố biển du lịch ở Việt Nam đang rơi vào sự chen chúc của các khu nghỉ mát, khách sạn dẫn đến quy hoạch gần như bị phụ thuộc vào các công trình du lịch này.
Tuy nhiên, vẫn còn có một thách thức đáng quan ngại hơn cả là tình trạng biến đổi khí hậu.

Sự tác động của bão, lũ lụt cùng mực nước biển dâng đã đặt các đô thị biển Việt Nam dưới nhiều tầng áp lực. Khi mà tầm nhìn quy hoạch và khả năng quản lý của chính quyền địa phương vẫn còn nhiều hạn chế thì khó nói đến chuyện ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu. Có thể lấy ví dụ từ năng lực quy hoạch là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngập úng ở TP.HCM.

Theo phân tích của Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Quy hoạch môi trường đô thị - nông thôn, ThS - KTS. Lưu Đức Cường thì sự phát triển tự phát dọc bờ sông Sài Gòn đã xóa đi 47 con kênh và một số hồ chứa nước quan trọng, dẫn đến tình trạng ngập vào mùa mưa của thành phố. Dù đã có nhiều nỗ lực khắc phục, nhưng việc bê tông hóa, quá tải hệ thống thoát nước khiến diện tích ngập lụt càng mở rộng.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng Việt Nam xếp hạng 23 trong tổng số 30 quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Theo kịch bản biến đổi khí hậu Việt Nam, cập nhật năm 2012 thì mực nước biển sẽ dâng lên từ 0,5 -1m vào cuối thế kỷ XXI. Trong trường hợp xấu nhất, 2/5 diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 1/10 diện tích đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập.

Cà Mau (55,9%), Kiên Giang (74,8%), Hậu Giang (79,4%) là những tỉnh có diện tích bị nhập lớn nhất. Chỉ tính riêng thiệt hại của bão lũ trong 10 tháng đầu năm 2012, các tỉnh miền Trung đã thiệt hại hơn 34 tỷ đồng. Nếu các đô thị biển không ứng phó kịp thời với biển đổi khí hậu thì ước tính 10 - 12% dân số Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Theo Thiên Thuận - Vân Anh (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.