01/08/2012 9:39 AM
Hướng đến phát triển nguồn lực trong nước, mở rộng mua sắm qua mạng để khắc phục tình trạng thiếu cạnh tranh, đấu thầu theo kiểu hình thức, khép kín như hiện nay.

Những điểm mới này của dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi đã được nhiều người tán đồng trong buổi lấy ý kiến góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vào sáng 31-7.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho biết thời gian qua, mặc dù đã có Luật Đấu thầu nhưng 75% các gói thầu còn chỉ định thầu, chiếm đến 45% tổng vốn đầu tư. “Một hạn chế trong quá trình đấu thầu hiện nay chính là tình trạng thiếu tính cạnh tranh, công bằng, dễ bị lợi ích nhóm chi phối và dễ dẫn đến tham nhũng” - ông Huỳnh nói. Thạc sĩ Ninh Viết Định, Trưởng ban Quản lý đấu thầu - Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, cũng cho rằng việc lạm dụng các điều khoản chưa rõ ràng trong luật để áp dụng hình thức chỉ định thầu đã làm vô hiệu hóa các quy định về cạnh tranh, kiểm soát sự độc lập của nhà thầu nước ngoài.

Đấu thầu qua mạng sẽ giảm chi phí giao dịch, tăng sức cạnh tranh để mỗi gói thầu có giá phù hợp nhất. Ảnh: CTV

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xu hướng chỉ định thầu hiện nay vẫn còn nhiều. Nhiều gói thầu không thuộc trường hợp chỉ định thầu nhưng một số bộ, ngành, địa phương vẫn trình Thủ tướng đề nghị áp dụng chỉ định thầu. Đã vậy, toàn bộ quá trình đấu thầu chủ yếu do chủ đầu tư quyết định khép kín và không có cơ quan giám sát, thẩm tra. Nhiều nơi còn có tình trạng dàn xếp, thông đồng giữa các nhà thầu khiến cho việc đấu thầu chỉ mang tính hình thức.

Vậy Luật Đấu thầu mới có hạn chế được lợi ích nhóm, góp phần phòng, chống tham nhũng, lựa chọn được nhà đầu tư tốt hay không? Theo ông Huỳnh, điều này được kỳ vọng vào sáu mục tiêu mà dự thảo luật đưa ra. Đó là thống nhất quản lý chi tiêu sử dụng vốn nhà nước, tăng cường cạnh tranh, công khai minh bạch, đảm bảo tính công bằng, bảo đảm hiệu quả kinh tế và phòng, chống tham nhũng trong đấu thầu.

Ông Nguyễn Xuân Đào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết dự luật lần này bổ sung hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng. “Hình thức đấu thầu, mua sắm qua mạng sẽ giảm chi phí giao dịch, tăng sức cạnh tranh để mỗi gói thầu có giá phù hợp nhất. Từ năm 2009-2011, Việt Nam đã thí điểm thành công đấu thầu qua mạng. Vì vậy, đây là thời điểm để pháp lý hóa quy định đấu thầu qua mạng, mở rộng phạm vi áp dụng cũng như thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế về quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tăng cường hiệu quả đầu tư công, đấu thầu” - ông Đào nêu đề xuất.

Về vấn đề phân cấp trong đấu thầu, dự thảo luật lần này quy định phân cấp mạnh nhưng phải gắn với trách nhiệm giải trình của chủ đầu tư và trách nhiệm của người có thẩm quyền để không tạo vòng tròn khép kín trong mua sắm. Việc giám sát và xử lý vi phạm cũng được bổ sung quy định về giám sát của cộng đồng trong quá trình lựa chọn nhà thầu, đề xuất quy định rõ trách nhiệm cá nhân đối với từng hoạt động trong chuỗi đấu thầu để có quy định chế tài cụ thể.

Theo PLTP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.