19/12/2023 5:55 PM
Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng cấu trúc không gian đô thị tỉnh phát triển theo mô hình hai vùng – ba cực phát triển – ba hành lang kinh tế.

Bình Định sẽ tập trung phát triển đô thị Quy Nhơn

Bình Định sẽ phát triển ra sao trong thời gian tới?

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định số 1619/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch vừa được phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.

Bình Định sẽ tập trung phát triển đô thị Quy Nhơn hiện đại về không gian, kiến trúc, khai thác tiềm năng, lợi thế đặc biệt về cảnh quan và khí hậu khu vực ven đầm Thị Nại; quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội; phát triển Khu Đô thị Khoa học mang tầm cỡ quốc gia;….

Mục tiêu đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Đến năm 2050, Bình Định trở thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây.

Hai vùng – ba cực phát triển – ba hành lang kinh tế

Theo quy hoạch được phê duyệt, cấu trúc không gian đô thị phát triển theo mô hình hai vùng – ba cực phát triển – ba hành lang kinh tế.

Trong đó, hai vùng kinh tế - xã hội gồm phân vùng phía Bắc và phân vùng phía Nam. Phân vùng Bắc gồm bốn đơn vị hành chính phía Bắc gồm đô thị Hoài Nhơn và các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão.

Đây là vùng phát triển bảo tồn rừng tự nhiên, phát triển du lịch sinh thái; chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản công nghệ cao; các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen/amoniac xanh …); sản xuất thiết bị phụ trợ, chế biến gang thép, đóng tàu, cảng biển – logistics.

Riêng phân vùng Nam gồm bảy đơn vị hành chính phía Nam là thành phố Quy Nhơn, đô thị An Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn và các huyện Vân Canh, Phù Cát, Vĩnh Thạnh.

Đây là vùng động lực chính của tỉnh, phát triển đa ngành: công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử bán dẫn, nông nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, cảng biển – logistics, đô thị thông minh, các dự án năng lượng tái tạo.

Ba cực phát triển của tỉnh Bình Định gồm: Thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận là động lực chính, hạt nhân phát triển phía Đông Nam tỉnh Bình Định; Thị xã Hoài Nhơn là cửa ngõ phía Bắc, đồng thời là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển phía Bắc tỉnh Bình Định; Huyện Tây Sơn (đô thị Tây Sơn dự kiến) là cực phía Tây và là hạt nhân thúc đẩy phát triển phía Tây tỉnh Bình Định.

Quy hoạch cũng định hướng 3 hành lang kinh tế của tỉnh gồm: Hành lang kinh tế Bắc Nam phát triển dọc theo Quốc lộ 1; Hành lang kinh tế biển phát triển dọc tuyến đường bộ ven biển (ĐT.639); Hành lang kinh tế Đông Tây phát triển dọc theo các tuyến giao thông Đông Tây của Quốc lộ 19.

Quy hoạch cũng định hướng phương án sắp xếp không gian phát triển cho các hoạt động kinh tế – xã hội của tỉnh.

Trong đó, không gian công nghiệp được phân bố theo ba vùng chính: Vùng dọc tuyến Quốc lộ 19, 19B, 19C và thành phố Quy Nhơn bao gồm thành phố Quy Nhơn, đô thị An Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước, huyện Phù Cát và một phần huyện Vân Canh; Vùng đồng bằng ven biển và ven Quốc lộ 1, bao gồm Hoài Nhơn, Phù Mỹ và Phù Cát; Vùng trung du miền núi, bao gồm các huyện An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh và một phần huyện Vân Canh.

Phương án phân bố phát triển không gian thương mại gồm: Hành lang thương mại Bắc – Nam; Hành lang thương mại Đông – Tây; Hành lang thương mại ven biển theo tuyến đường tỉnh ĐT.639.

Phương án phân bố phát triển không gian du lịch gồm: Cụm du lịch thành phố Quy Nhơn và phụ cận; Cụm du lịch Tây Sơn - An Nhơn và phụ cận; Cụm du lịch Hoài Nhơn và phụ cận.

Cũng theo quy hoạch được duyệt, khu vực kinh tế trọng điểm bao gồm thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận, đô thị An Nhơn.

Đến năm 2030, Bình Định có 21 đô thị

Theo quy hoạch được phê duyệt, đến năm 2030, toàn tỉnh Bình Định có 21 đô thị.

Trong đó, có một đô thị loại I (thành phố Quy Nhơn); hai đô thị loại III (thành phố An Nhơn, thành phố Hoài Nhơn); ba đô thị loại IV (thị xã Tây Sơn, thị xã Tuy Phước, thị trấn Cát Tiến); 15 đô thị loại V (thị trấn Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tăng Bạt Hổ, Phù Mỹ, 18 Bình Dương, Ngô Mây, An Hòa, Mỹ Chánh, Cát Khánh, Canh Vinh, Mỹ Thành, Mỹ An, Cát Hanh, Ân Tường Tây).

Quy hoạch cũng định hướng phát triển một số đô thị trọng tâm. Trong đó, thành phố Quy Nhơn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Định; là trung tâm kinh tế biển của quốc gia, trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ của vùng.

Bình Định phát triển, mở rộng thành phố Quy Nhơn về phía Đông Bắc, lấy đầm Thị Nại là trung tâm; quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu Kinh tế Nhơn Hội trên cơ sở chuyển đổi đất công nghiệp sang đất đô thị, dịch vụ; đầu tư xây dựng hệ thống giao thông xung quanh đầm Thị Nại để phát triển hạ tầng đô thị, dịch vụ và các dự án phát triển kinh tế – xã hội.

Thành phố An Nhơn là đô thị phát triển kinh tế – xã hội vùng phía Nam tỉnh Bình Định. Đây là một trong những trung tâm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố Quy Nhơn và ngược lại, có các chức năng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và đầu mối giao thông đa năng.

Thành phố Hoài Nhơn là vùng có tầm quan trọng trong bảo vệ cảnh quan, môi trường, sự phát triển bền vững tại địa phương; là vùng phát triển đô thị mới gắn liền với phát triển công nghiệp hiện đại gắn với động lực mới phía Bắc của tỉnh Bình Định; là khu vực có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, gắn liền với du lịch dịch vụ.

Thị xã Tây Sơn là cửa ngõ giao thương phía Tây của tỉnh Bình Định trên tuyến hành lang kinh tế Quốc lộ 19 với vùng Tây Nguyên; là đô thị du lịch – thương mại dịch vụ công nghiệp; là trung tâm du lịch lịch sử văn hóa Tây Sơn của vùng và quốc gia.

Thị trấn Ngô Mây là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội huyện Phù Cát; là trung tâm dịch vụ vận tải hàng không đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế – xã hội vùng.

Thực hiện quy hoạch, xây dựng thị trấn Ngô Mây và vùng phụ cận phát triển thành đô thị sân bay nhằm khai thác triệt để lợi thế của sân bay Phù Cát khi được đầu tư nâng cấp, gắn với thu hút đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp điện, điện tử và công nghiệp nhẹ.

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.