Đáng quan tâm trong chính sách tái định cư là Nhà nước sẽ hỗ trợ “phần thiếu” để người dân có nhà ở, nếu như phần đất bị thu hồi không đủ điều kiện để được bố trí 1 suất đất tái định cư.
Góp phần xây dựng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất theo Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7-2014, Hội Khoa học đất Việt Nam đã dành 2 ngày tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến vào Nghị định này và Nghị định về xác định giá đất.

Ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN-MT cho biết, một trong các điểm mới ưu việt của Luật Đất đai sửa đổi lần này là đưa ra qui định sẽ bồi thường về đất với cả trường hợp thuê đất trả tiền một lần. Đáng quan tâm trong chính sách tái định cư là Nhà nước sẽ hỗ trợ “phần thiếu” để người dân có nhà ở, nếu như phần đất bị thu hồi không đủ điều kiện để được bố trí 1 suất đất tái định cư.

Để đảm bảo nơi tái định cư “tốt hơn nơi ở cũ” không đơn giản. Ảnh: TL
“Vấn đề “gay cấn” đặt ra là việc bố trí tái định cư phải đảm bảo “tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ” khó thực hiện được. Thực tế nhiều năm qua cho thấy có 1001 trường hợp sinh kế của người bị thu hồi đất không những không tốt hơn, mà còn kém trước”, ông Tôn Gia Huyên, Hội Khoa học đất Việt Nam bình luận. Đồng quan điểm về chính sách cho người bị thu hồi đất phải được đảm bảo, ông Nguyễn Quang Tuyến, giảng viên trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng: “Chính sách phải thực tế và đi vào cuộc sống, chứ qui định kiểu hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi sản xuất nông nghiệp với giá trị 1.000 đồng/m2 thì bôi bác quá”.

“Qui định này nói thì dễ nhưng định lượng như thế nào tốt hơn nơi ở cũ rất khó”, ông Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam phân tích, có 5 vấn đề lớn có thể xác định được, trong đó nhà ở thì đa số khang trang hơn, cơ sở hạ tầng đường sá, chợ, trường học, trạm xá cũng tốt hơn. Nhưng sinh kế làm đảm bảo cho đời sống người dân bền vững thì chưa làm được. Dự án nào cũng nêu từng bước phục hồi sinh kế cho người dân, nhưng từng bước là mấy bước?

Bên cạnh đó, các chuyên gia pháp lý nhận định, chi phí thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không được quản lý và sử dụng đúng mục đích đã gây ra không ít hậu quả tiêu cực về kinh tế xã hội. Từ đó phát sinh quan hệ đất đai tiêu cực kéo dài, việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư chưa thể kết thúc sau khi đã thanh toán xong tiền và đất cho người bị thu hồi. Trong khi đó, việc đảm bảo cho sinh kế của người bị thu hồi đất ổn định ở mức cao hơn trong môi trường kinh tế xã hội khác có khi mất đến chục năm.

Cùng chỉ ra các bất cập trong chính sách về thu hồi đất, nhiều ý kiến cho rằng, trong khi các văn bản về thu hồi đất được “luật hóa” khá chi tiết, thì vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lại chủ yếu nằm ở các văn bản dưới luật, nên bị thay đổi thường xuyên. Trong đó, tái định cư là câu chuyện khó nhất, nhưng Luật lại qui định rất ngắn, chỉ có 3 điều…

Theo ông Huyên, dự thảo Nghị định đã đưa ra chính sách cụ thể để xử lý khoảng 30 tình huống về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng vẫn chưa “phủ” hết 14 Điều mà Luật Đất đai qui định. “Dự thảo mới góp phần cụ thể hóa Luật Đất đai, mà ít có tác dụng tích cực trong việc xử lý mối quan hệ đất đai đang phát sinh một cách nặng nề và phức tạp liên quan đến thu hồi, trưng dụng đất, bồi thường, tái định cư”, ông Huyên nói.

Do đó, theo ông Huyên, cần xây dựng một cơ chế dân chủ thực sự trong quá trình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đảm bảo cho người bị thu hồi đất được tham gia vào quá trình này ngay từ khi lập qui hoạch sử dụng đất. Đồng thời, Nhà nước phải đưa ra hệ thống chính sách kinh tế, tài chính, xã hội và phát triển để chịu trách nhiệm với người bị thu hồi đất cho đến khi sinh kế của họ được cải thiện ổn định hơn trước, cân đối hài hòa lợi ích giữa Nhà nước – người bị thu hồi đất - nhà đầu tư.

Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, gần 70% các vụ khiếu kiện, khiếu nại kéo dài liên quan đến đất đai, trong đó chủ yếu là thắc mắc về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất. Vì vậy, các chuyên gia pháp lý cho rằng, việc xây dựng Nghị định qui định chi tiết thi hành về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải được xem xét kỹ lưỡng, để đảm bảo tính khả thi, đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất.

Phương Thảo (Pháp luật & Xã hội)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.