11/07/2011 7:14 AM
Những ngày này người dân TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên liên tục có đơn tố cáo gửi Báo GĐ&XH phản ánh việc em trai Chủ tịch UBND phường Thịnh Đán mua gom nhiều nghìn mét vuông đất nông nghiệp rồi nhờ anh trai "phù phép" thành đất ở.
Qua điều tra, phóng viên Báo GĐ&XH phát hiện công nghệ "chế biến" hết sức tinh vi của anh em ông Chủ tịch UBND phường Thịnh Đán.
"Phù phép"
Theo tố cáo của người dân phường Thịnh Đán thì thời gian gần đây tình trạng mua bán đất nông nghiệp diễn ra tràn lan, không được kiểm soát, sau đó đối tượng thu mua tìm cách chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất nông nghiệp sang đất ở, gây xáo trộn đời sống trong người dân.
Theo tố cáo, ông Nguyễn Thành Trung trú tại tổ 22, phường Thịnh Đán (em trai ông Nguyễn Hữu Quang- Chủ tịch UBND phường Thịnh Đán) là người đã tiến hành mua gom đất nông nghiệp trên địa bàn nhiều nhất. Ông Trung mua không phải là để cấy lúa mà tìm cách chuyển đổi thành đất ở, mặc dù ông này đã có hàng nghìn mét vuông để trú ngụ. Đất do ông Trung thu mua đều có thể canh tác tốt nhưng ông Nguyễn Hữu Quang vẫn "phê" là đất ô nhiễm, chuột phá hoại...
Đất nông nghiệp

Ông Nguyễn Duy Lợi - Phó Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố số 4, phường Thịnh Đán nói: Người dân chúng tôi rất bức xúc, đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ.

Quá trình điều tra, chúng tôi thu thập được trong tay các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp giữa ông Trung với các hộ dân sản xuất nông nghiệp phường Thịnh Đán (hợp đồng có xác nhận của Chủ tịch phường).

Đơn cử như hợp đồng chuyển nhượng 1.932m² đất lúa (tại thửa số 13, 36, 253) của ông Nguyễn Văn Đức (tổ 5, phường Thịnh Đán) bán cho ông Nguyễn Thành Trung; Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Nguyễn Văn Vệ (tổ 21, phường Thịnh Đán) bán cho ông Trung 423m² đất lúa (tại thửa đất số 147, 149) vv... Các hợp đồng này đều có xác nhận của ông Quang, Chủ tịch UBND phường. Một sào đất nông nghiệp được thu mua với giá 25 triệu đồng. Trong khi đó, 1m2 đất ở tại đây có giá từ 15 - 20 triệu đồng.
Ông Nguyễn Duy Lợi - Phó Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố số 4 phường Thịnh Đán buồn rầu nói: "Đất nông nghiệp bị thu gom trên vẫn có thể canh tác tốt, chẳng chuột bọ, ô nhiễm gì. Biến đất nông nghiệp thành đất ở thì ai chẳng muốn. Người dân muốn chuyển đổi như thế nhưng ai cho làm?".
Hô biến
Qua điều tra, chúng tôi phát hiện được quy trình "chế biến" đất trồng lúa thành đất ở tại phường Thịnh Đán như sau: Sau khi thu gom đất nông nghiệp, ông Trung làm các loại đơn như: Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất; Đơn xin chuyển đổi cơ cấu cây trồng gửi UBND TP Thái Nguyên.
"Trước những thông tin báo chí cung cấp về tình trạng mua bán đất nông nghiệp tại phường Thịnh Đán, UBND TP tiếp thu và sẽ nhanh chóng kiểm tra. Nếu có sai phạm thì sẽ xử lý nghiêm. Không thể để tình hình canh tác nông nghiệp và công tác quản lý đất đai bị xâm hại được".
Ông Lê Kim Phúc (Phó Chủ tịch UBND TP Thái Nguyên)
Tại các đơn này ông Trung viện dẫn nhiều lý do như: Đất không trồng được lúa, chuột phá hoại, ô nhiễm nguồn nước, bản thân chưa có đất ở, nhà ở... để được chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở, đất trồng cây lâu năm. Đơn của ông Trung được gửi đến UBND phường Thịnh Đán. Tại đây ông Quang có bút phê, đóng dấu xác nhận của UBND phường gửi UBND TP Thái Nguyên đề nghị xét cho ông Trung được chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Đơn cử như: Sau khi nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của ông Nguyễn Văn Vệ như trên đã nói, với lý do chưa có đất ở, nhà ở và bị ô nhiễm nguồn nước thải ông Trung đã có đơn đề nghị UBND TP Thái Nguyên cho chuyển đổi mục đích đất trồng lúa trên sang đất ở (80m2) và trồng quất. Tại phần xác nhận của UBND phường, ông Quang ký tên, đóng dấu, "phê" đề nghị với nội dung: "Nhất trí và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết cho gia đình ông Trung".
Theo người dân, chỉ có ông Trung mới có thể độc diễn màn kịch "cắt bánh" này. Trong buổi làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Quang xác nhận ông Trung là em trai của ông. Ông Quang cũng thừa nhận đúng là em trai ông có mua gom đất nông nghiệp nhưng khẳng định việc này là bình thường.
Ông Quang cho biết: "Trung có nhà ở tổ 22, có trang trại, nhà sàn ở tổ 2. Trang trại làm từ năm 2002, còn nhà mà Trung đang ở là đất bố mẹ tôi để lại cho Trung toàn bộ. Đất rộng lắm, 4.000 - 5.000m²". Trả lời câu hỏi vì sao ông Trung đã có nhà và đất ở như ông Quang vẫn ký xác nhận là chưa có chỗ ở để đề nghị UBND TP Thái Nguyên cho ông Trung được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ông Quang biện giải: "Nhu cầu của con người là vô cùng, người ta có nhà chỗ này nhưng việc làm ăn kinh tế lại ở chỗ khác. Đó là việc bình thường!".
Việc ông Quang xác nhận tình trạng đất cho em trai không đúng như thực tế, có dấu hiệu của việc tư lợi, ưu ái người thân. Dư luận TP Thái Nguyên hết sức mong mỏi các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ chân tướng sự việc.
Theo Hà Châu (Gia Đình)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.