Khi Dự án nâng cấp và mở rộng tuyến đường Hoàng Văn Thái nối dài còn chưa được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt, toàn bộ thông tin về vùng giải tỏa đã bị lộ nên đã có hàng trăm người dân đổ xô đi xây nhà trái phép để chờ đền bù.

Cuối tháng 9/2010, UBND thành phố Đà Nẵng ký quyết định phê duyệt sơ đồ ranh giới quy hoạch sử dụng đất tuyến đường Hoàng Văn Thái nối dài đi Bà Nà. Tuy nhiên, nhưng trước đó hàng tháng, hầu hết người dân trong vùng dự án đã biết rõ để “đón đầu”.

Cán bộ xây, dân xây theo

Đầu tháng 10, UBND quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng mới tổ chức họp, công bố triển khai Dự án nâng cấp và mở rộng tuyến đường Hoàng Văn Thái nối dài từ phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) lên Khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ (đoạn đi qua thôn Đại La, Hòa Sơn, Hòa Vang). Thế nhưng, trước đó hơn 20 ngày đã có hàng trăm hộ dân trong khu vực biết thông tin và tập kết vật liệu, xây nhà trái phép để chạy đền bù giải tỏa, bất chấp những nỗ lực ngăn chặn của chính quyền địa phương…

Các cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ các ngôi nhà xây dựng trái phép trên đường Hoàng Văn Thái

Tại thôn Đại La, hàng chục ngôi nhà mới xây đang còn dang dở dọc tuyến đường Hoàng Văn Thái, trong đó nhiều ngôi nhà mới xây vẫn còn mùi vôi, vữa. Ông Trần Kim Đính, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, thừa nhận thực trạng trên và khẳng định: Sau khi biết tin có tuyến đường đi qua, nhà nhà trong thôn đua nhau xây dựng, vượt quá tầm kiểm soát của địa phương. Hiện có khảng 50 trường hợp xây nhà không phép và trái phép; trong đó, có 23 trường hợp xây nhà trên đất chưa được giao quyền sử dụng, đất nông nghiệp. Đáng nói hơn, trong số 50 trường hợp xây nhà trái phép có ông Đỗ Bình và Đặng Văn Hồng (cùng trú P.Hòa Minh, Liên Chiểu) đang công tác tại Công ty Tư vấn - Thiết kế và Xây dựng thuộc Sở Giao thông - Công chính Đà Nẵng. “Ăn theo” hai vị cán bộ trên, chỉ trong thời gian ngắn, diện tích đất trồng cây đã bị đốn hạ, thay vào đó là hàng loạt ngôi nhà cùng tường rào, chuồng trại mọc lên san sát mà không có trường hợp nào được chính quyền địa phương cấp giấy phép xây dựng.

Dân biết thông tin trước chính quyền?

Đơn cử như hộ gia đình ông Phan Văn Tuấn ở thôn Hòa Khê đã xây dựng 9 ngôi nhà (diện tích mỗi ngôi nhà xấp xỉ 100 m2) trên phần đất rừng và đất trồng cây lâu năm; hộ ông Phạm Văn Thiên xây dựng bốn ngôi nhà và một chuồng trại trên phần đất thổ cư và đất trồng cây lâu năm… Một người dân xây nhà trái phép phân trần: “Chúng tui đâu có biết xây nhà như rứa là vi phạm pháp luật mô. Mà mấy ông cán bộ trên thành phố (ý muốn nói đến ông Bình và ông Hồng - PV) cũng xây đó. Có ai nói chi mô”.

Ông Phạm Xem, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, thừa nhận: “Đầu tháng 9, tổ khảo sát địa hình của Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Mặt Trời đến đo đạc, lập hồ sơ dự án nhưng không thông qua địa phương. Đến ngày 13/9, xã nhận được Công văn của UBND thành phố Đà Nẵng về việc hỗ trợ đơn vị khảo sát thì toàn tuyến đường mà tổ công tác đã đo đạc, cắm mốc theo vệt khảo sát đi qua, người dân trong thôn đã tập kết vật liệu xây dựng. Hiện nay, chính quyền địa phương vẫn chưa có bản thiết kế tuyến đường, chỉ biết chung chung về dự án. Thế nhưng, bản đồ phác thảo chi tiết con đường lại có trong tay của đại bộ phận nhân dân trong thôn”…

Cafeland.vn - Theo Đất Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland