190.453ha đất bị phát hiện có sai phạm sau thanh tra. Vẫn còn gần 90.000ha đất vi phạm chưa được thu hồi… Đó là những con số được công bố tại buổi họp báo thông báo kết quả thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên môi trường do Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức ngày 14/11.

Khó thu hồi các dự án treo

Ông Lê Quốc Trung - Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, từ năm 2012 tới tháng 10/2013, Thanh tra Bộ và các Tổng cục, Cục đã triển khai 173 cuộc thanh tra, kiểm tra. Trong đó có 43 cuộc kiểm tra hành chính và 130 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trên các lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và đo đạc bản đồ. Qua thanh tra, đã thu nộp ngân sách 70.971 triệu đồng, xử phạt hành chính 27.938 triệu đồng; thu hồi 14 giấy phép…

Chỉ riêng trong lĩnh vực đất đai, qua 12 cuộc thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện 190.453ha có vi phạm, đã xử lí được 106.662ha, xử phạt hành chính 3.976 triệu đồng, truy thu nộp ngân sách 66.042 triệu đồng, xử lí khác 2.748 triệu đồng… Đối với các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, qua tổng hợp của 63 tỉnh, thành cho thấy, có 8.159 tổ chức vi phạm với diện tích 118.787ha. Đến tháng 5/2013 mới xử lí được 5.178 tổ chức (đạt 63,4%), với diện tích 105.037ha (88,4%).

Các nông lâm trường sử dụng diện tích đất rất lớn, tuy nhiên lại đang hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên. Qua thanh tra 5 nông lâm trường tại 4 tỉnh, đoàn thanh tra đã phát hiện ra hàng loạt sai phạm: tranh chấp, lấn chiếm; cho thuê, cho mượn trái pháp luật; chuyển mục đích sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất không đúng qui định của pháp luật… Bộ đã kiến nghị thu hồi trên 1600 ha đất, truy thu trên 2 tỉ đồng tiền sử dụng đất.

Thị trường bất động sản trầm lắng khiến cho số lượng dự án treo tăng lên từng ngày. Ảnh minh họa: Thiện Hoàng.

Năm 2013, Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng đã triển khai thanh tra diện rộng về việc chấp hành pháp luật trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn cả nước. Các địa phương đã thực hiện 136 cuộc thanh tra tại 264 huyện, thị xã. Hiện nay, các tỉnh đang tiến hành tổng hợp, báo cáo kết quả về Bộ trước 30/11/2013.

Trả lời câu hỏi của PV Báo CAND về việc gần 90.000 ha đất vi phạm chưa thể xử lí, ông Chu Phạm Ngọc Hiển – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết: “Theo qui định của pháp luật, dự án không triển khai quá 12 tháng hoặc triển khai chậm quá 24 tháng là thu hồi, nhưng việc thu hồi không đơn giản, nếu chủ đầu tư đã đầu tư cơ sở hạ tầng rồi. Nhiều địa phương gặp khó, vì không đủ kinh phí để hoàn trả cho chủ đầu tư đã trả tiền thuê đất, sử dụng đất. Bởi vậy, nhiều địa phương cũng chưa kiên quyết”.

Trong khi đó, ông Lê Văn Lịch – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai thì khẳng định: “Hiện tại, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, bất động sản trầm lắng, rất nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc triển khai dự án. Nếu việc chậm triển khai dự án do lỗi khách quan thì doanh nghiệp sẽ được xem xét gia hạn. Thời gian gia hạn sẽ do địa phương quyết định, nhưng không quá 12 tháng. Còn nếu dự án chậm trễ do chủ đầu tư thiếu năng lực thì kiên quyết thu hồi. Bộ đã yêu cầu các địa phương tích cực thu hồi phần diện tích sai phạm”.

100% các công trình thủy điện không đảm bảo dòng chảy tối thiểu

Bộ Tài nguyên – Môi trường đã tổ chức 7 đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai, môi trường, tài nguyên nước và khí tượng thủy văn đối với 76 dự án thủy điện trên địa bàn 16 tỉnh. Trong đó, có 33 dự án đã vận hành phát điện và 43 dự án đang triển khai xây dựng.

Kết quả cho thấy, có 46/76 dự án đã hoạt động chưa có giấy phép khai thác nước mặt theo qui định; 100% dự án đang phát điện không đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu; 68/76 dự án chưa thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ hồ chứa…Nhiều công trình thủy điện đã và đang xây dựng, phần lớn là thủy điện nhỏ không bố trí phương án công trình để chủ động xả nước về hạ du gây ra tranh chấp về nguồn nước. Đối với các công trình vận hành theo qui trình liên hồ cũng chưa đảm bảo xả nước đón lũ theo đúng qui định…

Hạn chế tối đa việc thanh tra đột xuất

Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng, hiện nay, việc thanh tra vẫn được tiến hành theo kế hoạch, có thông báo trước. Bộ hạn chế tối đa việc thanh tra đột xuất để tránh việc lạm dụng, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Toàn ngành tài nguyên – môi trường chỉ có khoảng 800 cán bộ thanh tra, trong khi phải quản lí 8 lĩnh vực nóng, do đó cần phải huy động sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là người dân và báo chí. Việc xử lý các vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên – môi trường vẫn chủ yếu là xử lí hành chính, rất ít vụ việc được xử lí hình sự do pháp luật vẫn có nhiều điểm bất cập.

Khánh Vy (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.