Ông Diệp Thanh Phong
P.V: Theo ông, có cần quy định rõ mức vốn pháp định đối với các doanh nghiệp khi tham gia thị trường BĐS? Nhà nước có nên điều tiết khi thấy cần thiết?
Ông Diệp Thanh Phong: Đa số các doanh nghiệp trong nước đều thuộc loại vừa và nhỏ, do đó nếu quy định mức vốn pháp định quá lớn sẽ gây khó khăn cho một số doanh nghiệp khi có nhu cầu tham gia mua bán BĐS. Do đó, nên quy định mức vốn pháp định tối thiểu cho mỗi doanh nghiệp là 20 tỷ đồng là phù hợp, song, cũng tùy từng thời điểm mà Chính phủ có thể điều chỉnh cho sát với thực tế. Cụ thể, Chính phủ nên quy định theo hướng tăng thêm từ 5-10 tỷ đồng để phù hợp với từng loại hình kinh doanh BĐS và từng thời kỳ.
Về vai trò điều tiết của Nhà nước đối với thị trường BĐS, theo tôi là cần thiết. Vì, thực tế thị trường BĐS nước ta phát triển thiếu ổn định nên Nhà nước đã và đang can thiệp bằng nhiều biện pháp để điều tiết giữ cho thị trường ổn định. Do vậy, Luật KDBĐS sửa đổi bổ sung lần này cần quy định trong những lúc cần thiết Nhà nước phải áp dụng các chính sách phù hợp nhằm giữ tính ổn định của thị trường.
P.V: Vậy còn những người tham gia môi giới BĐS cần có điều kiện gì?
Ông Diệp Thanh Phong: Luật hiện hành quy định, môi giới bất động sản chỉ cần có năng lực hành vi, đã được đào tạo về môi giới BĐS và có hồ sơ xin cấp chứng chỉ môi giới BĐS. Tuy nhiên, trong dự thảo luật sửa đổi lần này đã quy định chặt chẽ hơn. Theo đó, môi giới BĐS phải có Thẻ hành nghề môi giới BĐS và Bộ Xây dựng có trách nhiệm tổ chức sát hạch, cấp thẻ. Ngoài ra, người môi giới phải có trình độ từ đại học trở lên. Song theo tôi, việc quy định người có trình độ đại học trở lên mới được cấp Thẻ hành nghề cho môi giới là chưa phù hợp, chỉ cần quy định người đã tốt nghiệp THPT trở lên là đủ. Song để đảm bảo cho người môi giới hiểu rõ về lĩnh vực đang tham gia, chúng ta cần mở lớp đào tạo, bồi dưỡng một số kiến thức nhất định về giao dịch BĐS, như: hình thức quảng cáo, chào hàng, tính công khai, minh bạch, bảo vệ khách hàng...
P.V: Có ý kiến cho rằng việc công chứng, chứng thực hợp đồng do các bên thỏa thuận là chưa hợp lý với pháp luật về công chứng, chứng thực. Vậy ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Ông Diệp Thanh Phong: Luật Công chứng không quy định về các loại hợp đồng phải công chứng. Tuy nhiên, trong giao dịch khi đối tượng điều chỉnh của Luật KDBĐS là BĐS luôn gắn liền với quyền sử dụng đất ở, sở hữu nhà ở và theo quy định tại Điều 167 của Luật Đất đai thì việc công chứng, chứng thực hợp đồng KDBĐS được thực hiện theo yêu cầu của các bên. Trên thực tế, nhiều vụ tranh chấp hợp đồng đặt cọc, chuyển nhượng tài sản đã xảy ra rất khó giải quyết khi không có sự chứng thực của công chứng viên. Do vậy, việc công chứng các loại hợp đồng trên là cần thiết nhằm ngăn ngừa tranh chấp và làm cơ sở giúp các cơ quan pháp luật giải quyết vụ việc khi có tranh chấp xảy ra.
P.V: Xin cảm ơn ông!