Bước vào chung cư 727 nằm trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5 khu vực trung tâm TPHCM - dễ nhận ngay mùi hôi thối và nước thải đọng thành từng vũng ở khắp nơi bốc lên nồng nặc. Thấy tôi đưa máy hình lên chụp, anh Phạm Hoàng Dũng, 43 tuổi, người sinh sống ở chung cư này cười bảo: “Có gì mà chụp, người dân ở đây quá quen với cảnh này rồi. Biết mất vệ sinh, không an toàn nhưng đành chịu”.

Nhếch nhác và không an toàn


Anh Dũng chỉ cho tôi xem nơi nước thải ở các hộ dân tầng trên ngấm qua tường, chảy xuống tầng dưới, rồi xuống đất đọng thành từng vũng, hầu như hành lang tầng nào cũng có. Nước thải đối với người dân ở đây chưa phải là nỗi lo lớn nhất, bê tông rơi từ trần nhà mới đáng sợ.


Mỗi lần lấy xe gởi tại tầng trệt đối với mọi người là nỗi ám ảnh về nạn bê tông từ trên có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Bà Liên, một người sống lâu năm ở đây, cho hay nhiều lần bê tông rơi trúng làm xe máy dập nát trong bãi gởi xe này, nhưng may mắn chưa ai bị thương vì đã có “kinh nghiệm” đề phòng.


Kinh nghiệm là cứ mỗi lần mưa lớn nước lại chảy lênh láng, làm cho kết cấu bê tông vốn đã rệu rã bong ra, rớt xuống. Cứ nghe tiếng rắc rắc là người dân cùng nhau bỏ chạy.



Một góc chung cư cũ xuống cấp trầm trọng.

Dẫn tôi lên trên tầng trên của chung cư, bà Liên ngao ngán bảo: “Ở đây đã có chủ trương di dời lâu rồi, nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được do giá cả đền bù không phù hợp với nhiều người.


Do đó, nhiều hộ trong hơn 200 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu sinh sống ở đây không đủ kiên nhẫn chờ đợi đã dọn đi nơi khác do sợ tai nạn, số còn ở lại cố bám trụ chờ bồi thường”. Chỉ vào căn hộ đã dọn đi ở tầng 4 của chung cư này, bà Liên cho biết mấy tháng trước căn hộ này cũng bị nứt bê tông, sụp mảng tường lớn bên cửa sổ và thanh chắn bằng sắt cũng bị ăn mòn, khiến họ phải dọn ra ngoài thuê nhà trọ vì sợ sập.


Nhìn vào một mảng tường lớn cỡ 1m2 ngay hành lang bị nứt tạo lên một lỗ hổng to tướng khiến tôi không khỏi rùng mình, vì ngay cạnh đấy mấy đứa trẻ đang vô tư nô đùa.


Anh Bùi Văn Tư, thợ cắt tóc trên tầng 3 cho biết tường và cầu thang (bằng sắt) ở đây đều hư hại hết. Người lạ vào đây thường bị hụt chân vì không quen, trong khi ánh sáng đèn điện ở hành lang không đủ soi.


Được biết, dân sống tại chung cư này đã có kế hoạch di dời sang chung cư 402 Hàm Tử và 109 Nguyễn Biểu (quận 5) cách đây 2 năm, nhưng do đến nay nhà đầu tư vẫn chưa có quyết định cụ thể nào nên họ đành phải ở lại.


Khúc mắc chủ yếu trong việc di dời là khi mua các căn hộ này, phần đông người dân chỉ viết giấy tờ sang tay nên các chủ đầu tư không chấp nhận bồi thường. Vì vậy, chung cư cũ ngày càng xuống cấp, người dân vẫn sống chung với… tử thần.


Tái định cư: chờ!


Không riêng chung cư 727 Trần Hưng Đạo, nhiều chung cư khác tại TPHCM cũng đang trong tình trạng xuống cấp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của cư dân. Ước tính cả TPHCM hiện nay có hàng trăm chung cư cũ, trong đó hầu hết đã xuống cấp, 1/4 trong số đó đang ở tình trạng hết sức nguy hiểm, nhất là các chung cư xây dựng trước năm 1975.


Mỗi chung cư này đều có hàng ngàn người dân sinh sống. Có thể kể đến như chung cư 24 Ngô Quyền (quận 5), Lý Thường Kiệt (quận 11), Thanh Đa (quận Bình Thạnh), Vĩnh Hội (quận 4)… đều xuống cấp đến mức báo động. Điều đáng nói là thực tế việc giải quyết vấn đề này không đơn giản, bởi chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, người dân chưa tìm được tiếng nói chung.


Tại chung cư Thanh Đa vào một buổi sáng, đập vào mắt tôi là quần áo, vật dụng và đồ đạc bày la liệt từ tầng trệt lên đến các tầng trên cùng. Tuy nhiên, nguy hiểm hơn cả là việc chung cư này bị nghiêng ở 2 dãy nhà 4 và 6.


Bằng mắt thường cũng thấy rõ 2 dãy này đang dần dần ngả vào nhau, tường nứt để lộ cả bê tông và sắt rỉ, khiến hàng ngàn người dân sống ở đây đang đứng ngồi không yên. Mặc dù chính quyền địa phương đã có quyết định xây mới các lô chung cư khác ở gần đó, nhưng hiện nay kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện và không biết bao giờ người dân có chỗ ở mới.


Nhiều người sinh sống ở đây bày tỏ sự lo lắng: Với cách giải quyết hiện nay, có lẽ chung cư này sập trước khi người dân có nhà mới. Vì hiện tượng sạt lở bờ sông thường xảy ra trên bán đảo Thanh Đa.


Tình trạng chung cư xuống cấp ở TPHCM đã được ngành xây dựng cảnh báo từ lâu, TP đã có kế hoạch di dời, cải tạo, xây mới chung cư cũ. Nhưng thực tế cho thấy chính quyền cấp quận không đủ nguồn lực để xây mới khu tái định cư cho người dân và phải trông cậy vào các doanh nghiệp trên địa bàn.


Nhưng khó khăn ở chỗ khi các doanh nghiệp bắt tay vào làm thì thường nảy sinh sự sai lệch giữa giá cả đền bù giữa nhà cũ và mới, khiến nhiều hộ dân không đồng thuận. Cũng có doanh nghiệp không có khả năng chi trả, nhưng vẫn lãnh dự án.


Vì thế, tiến độ xây mới, di dời các chung cư trên địa bàn TP luôn chậm hơn nhiều so với kế hoạch. Kết quả là những chung cư cũ nát vẫn ngày ngày phải gồng mình gánh hàng ngàn con người trong tình trạng có thể sập đổ bất cứ lúc nào.

Theo Đại Trí (SG Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.