Mức giá trần hiện hành không còn phù hợp?
Theo Quyết định được ban hành ngày 29/9/2011, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề án giá dịch vụ nhà chung cư và ban hành giá trần dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn. Theo đó, giá dịch vụ chung cư tại Hà Nội được chia làm 3 mức khác nhau. Mức thấp nhất là 2.400 đồng/m2/tháng áp dụng cho chung cư không có thang máy. Nhà chung cư có thang máy là 3.100 đồng/m2/tháng và 4.000 đồng/m2/tháng. Như vậy, khung giá trần dịch vụ chung cư hiện nay là 4.000 đồng/m2/tháng. Những chung cư có được sự đồng thuận giữa cư dân và ban quản lý tòa nhà thì không cần áp dụng theo mức giá trên.
Vẫn chưa quyết cách tính thống nhất phí dịch vụ chung cư ở Hà Nội.
Nhiều chủ đầu tư, đơn vị quản lý chung cư cho rằng, quy định về khung giá trần này thực sự gây khó cho họ. Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Dầu khí Toàn cầu, nếu áp dụng giá trần 4.000 đồng/m2 đối với tất cả các chung cư thì rất bất cập, bởi việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ tại các nhà chung cư là khác nhau với những nhà chung cư cao cấp, nếu áp dụng mức giá này thì thu không đủ chi. Bà Nguyễn Thu Hoài - Trưởng Bộ phận Quản lý tòa nhà - Công ty TNHH Savills Hà Nội cũng cho rằng: “Mỗi tòa nhà có một cách tính chi phí dịch vụ riêng và có một chi phí riêng, không thể có mức chung áp dụng cho mọi tòa nhà”.
Thực tế, có không ít đơn vị quản lý chung cư “quên” quy định này và tự ý đặt ra mức giá dịch vụ của riêng mình. Việc này đã dẫn đến tình trạng mâu thuẫn giữa các hộ dân với ban quản lý. Điển hình là vụ việc xảy ra tại tòa nhà cao nhất Việt Nam, Keangnam Landmark Tower khi chủ đầu tư đưa ra mức phí dịch vụ cao gấp nhiều lần quy định của thành phố Hà Nội dẫn đến xô xát giữa cư dân ở đây và chủ đầu tư. Hay mới đây nhất, cư dân chung cư Golden Westlake lại “dậy sóng” khi chủ đầu tư đóng cửa hầm để xe do cư dân không chấp nhận mức giá 2,5 triệu đồng/tháng để đỗ xe ô tô...
Phí cần tương ứng chất lượng dịch vụ
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, do tính chất của dịch vụ chung cư là rất đa dạng về tần suất, chất lượng nên không thể xây dựng được biểu phí cho tất cả các loại dịch vụ. Việc Nhà nước quy định mức giá trần là chưa phù hợp với thực tiễn.
Văn bản đề xuất phương án giá dịch vụ nhà chung cư của Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra có 4 phương án. Phương án 1, Sở sẽ công bố giá đồng thời kèm theo phụ lục về các mức giá khác của một số chung cư đã khảo sát. Phương án 2, Sở chỉ công bố các mức giá dịch vụ nhà chung cư phổ biến. Phương án 3, Sở sẽ không ban hành giá dịch vụ nhà chung cư. Phương án 4, giữ nguyên giá dịch vụ hiện hành.
Ngoài ra, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đưa thêm phương án quy định mức giá trần nhưng có sự điều chỉnh cho phù hợp với chi phí hiện tại. Theo đó, khung giá mới sẽ chia thành 2 loại: Loại chung cư không có thang máy có mức giá dao động từ 480 đồng đến 4.500 đồng/m2/tháng; Loại chung cư có thang máy mức giá dao động từ 850 đồng đến 12.500 đồng/m2/tháng.
Trước đề xuất đó, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, dịch vụ nhà chung cư là loại hình đặc biệt nên nhà nước phải có trách nhiệm ban hành và quản lý giá, để nếu khi chủ đầu tư và người dân không đạt được thỏa thuận thì nhà nước có công cụ can thiệp kịp thời. Các chủ đầu tư cần công khai minh bạch giá thành dịch vụ, hạch toán chi phí trước người dân để tránh những tranh chấp. Bởi thực tế, bên cạnh những chung cư thường xuyên xảy ra tình trạng mâu thuẫn xung quanh phí dịch vụ thì tại một số chung cư, các hộ dân và chủ đầu tư rất đồng thuận trong vấn đề này.
Tại tòa nhà 170 La Thành, phí dịch vụ chung cư 251 hộ dân ở đây phải đóng là 6.000 đồng/m2. Mặc dù mức giá này cao hơn mức trần quy định của thành phố Hà Nội 2.000 đồng song các cư dân đều thấy rất thoải mái. Anh Phạm Trung Ngọc, một cư dân ở đây cho biết: “Đối với các cư dân ở đây, 4.000 đồng hay 6.000 đồng không quan trọng bằng việc mình nhận được chất lượng dịch vụ như thế nào. Chúng tôi đóng cao hơn mức quy định của thành phố để nhận được chất lượng dịch vụ tốt hơn”.
-
Không cứu doanh nghiệp để cứu thị trường BĐS
Trong bản tin kinh tế mới nhất về tình hình kinh tế vĩ mô năm 2012 và tháng 1/2013, Ủy ban kinh tế Quốc hội tiếp tục đưa ra các khuyến nghị chính sách khá quyết liệt để xử lý nợ xấu. Trong đó có nợ xấu bất động sản và các giải pháp phá băng thị trường bất động sản. <br/br>
-
Thu hồi đất phát triển kinh tế: Coi chừng vi hiến!
Ngày 7-3, Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (LĐĐ) sửa đổi. <br/br>
-
Dài cổ chờ chỉ số giá bất động sản
Theo yêu cầu của Bộ Xây dựng, 4 đô thị lớn nhất cả nước (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ) sẽ phải công bố chỉ số giá bất động sản (BĐS) từ quý III-2011. Thế nhưng, đã quá hạn gần 18 tháng, các thành phố này đều chưa thể đưa ra chỉ số đang được người dân, doanh nghiệp mong đợi. <br/br>