12/01/2023 10:49 AM
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký, ban hành Nghị quyết 01 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Dự toán ngân sách và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Nghị quyết được ban hành trong bối cảnh dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định. Lạm phát tiếp tục ở mức cao, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất kéo dài tại nhiều quốc gia. Nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, bất động sản, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin trên toàn cầu gia tăng. Kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại, một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế.

Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu không để mất an toàn hệ thống thị trường vốn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư

Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Những tồn tại, hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế về cơ cấu kinh tế, năng lực sản xuất trong nước, các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tích tụ từ lâu chưa được xử lý dứt điểm.

Quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn nhưng độ mở lại lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế; những yếu tố đột xuất, bất ngờ vẫn tiềm ẩn rủi ro, khó dự báo; dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn.

11 nhiệm vụ, giải pháp

Trong Nghị quyết 01, Chính phủ đưa ra 11 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác. Ôn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, bảo đảm ổn định hệ thống tài chính ngân hàng trong mọi tình huống.

Với thị trường vốn, Chính phủ nhấn mạnh việc rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, định chế tài chính, các thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, bền vững.

“Không để mất an toàn hệ thống thị trường vốn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, không để bị kích động, lôi kéo, gây mất an ninh trật tự”, Nghị quyết của Chính phủ nêu.

Nghị quyết cũng đưa ra nhiệm vụ điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

"Tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài được Bộ Chính trị cho chủ trương (06 ngân hàng yếu kém và 8 dự án chậm tiến độ), kém hiệu quả”, Nghị quyết nêu.

Chính phủ cũng chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số. Tập trung bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Chủ đề: Kinh tế Việt Nam
Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.