Theo Bộ Xây dựng, sau gần 8 năm triển khai thực hiện, Luật Nhà ở xuất hiện nhiều hạn chế. Hiện có 10 nhóm bất cập chính khiến cần thiết phải sửa đổi Luật Nhà ở.
10 bất cập
Cụ thể, Luật Nhà ở hiện hành chưa yêu cầu các địa phương phải lập chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; chưa cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN trong việc phát triển nhà ở.
Luật Nhà ở hiện hành cũng chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể và đủ mạnh để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê; chưa có quy định cụ thể về hỗ trợ vốn cho phát triển nhà ở, đặc biệt là liên quan đến nhà ở xã hội….
Về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở, Luật hiện hành quy định chưa chặt chẽ, chưa hợp lý và không bảo đảm các quyền lợi của các chủ sở hữu nhà ở.
Về nhà chung cư, Luật hiện hành chưa có quy định cho việc cải tạo, xây dựng lại khi hết niên hạn sử dụng, xuống cấp...; chưa quy định đầy đủ về quản lý, sử dụng nhà chung cư...
Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định về việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin về nhà ở.
Đối với quy định về việc mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, Luật chưa khuyến khích được bà con kiều bào, tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Cùng với đó, Luật Nhà ở hiện hành chưa có cơ chế, chính sách cụ thể về phát triển và quản lý nhà ở tái định cư; quản lý sử dụng nhà biệt thự, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước…
Chính phủ đề xuất 10 nhóm nội dung chủ yếu của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Từ các tồn tại, bất cập chủ yếu nêu trên, Chính phủ cho rằng việc nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) là hết sức cần thiết. Đồng thời, Chính phủ đề xuất 10 nhóm nội dung chủ yếu của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Đó là, phát triển nhà ở phải đúng quy hoạch và kế hoạch; quy định rõ cơ chế, chính sách ưu đãi để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; xác định lại thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở cho phù hợp với từng loại giao dịch;
Quy định cụ thể về thời hạn sử dụng nhà chung cư theo cấp công trình; đồng thời, bổ sung quy định cho phép các bên tham gia giao dịch mua bán nhà ở có thể thỏa thuận để bên mua được sở hữu nhà ở trong một thời hạn nhất định nhằm góp phần giảm giá bán nhà ở.
Luật sửa đổi cũng cần hình thành hệ thống tài chính nhà ở đầy đủ và hiệu quả nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động các nguồn lực tài chính ổn định, dài hạn với lãi suất phù hợp cho phát triển nhà ở.
Làm rõ hơn các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư; gắn trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở, hạn chế tối đa các rủi ro và bảo vệ các quyền lợi của người mua nhà ở;
Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về nhà ở đầy đủ, tin cậy và cập nhật thường xuyên.
Mở rộng đối tượng và điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài;
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) còn sửa đổi, bổ sung các nội dung có liên quan đến phát triển và quản lý nhà ở; chỉnh lý, gộp các quy định còn tản mát tại các Chương, Điều khác nhau để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về nội dung của văn bản Luật.../.