06/03/2012 6:25 AM
Câu hỏi này đặt ra lâu nay khi tiến độ cấp sổ đỏ (Giấy chứng nhận chủ quyền nhà đất) ở nhiều địa phương ì ạch một cách khó hiểu. Quy trách nhiệm cho dân không mặn mà, do đất đai "lịch sử để lại” phức tạp... là câu trả lời thường gặp ở nhiều quan chức địa phương khi lý giải. Vậy còn trách nhiệm cán bộ tới đâu, có tồn tại không những "đường dây chạy sổ đỏ”, những thủ tục nhiêu khê "hành là chính”?
Mới đây, UBND TP. Hà Nội phê bình 18 quận, huyện được thành phố giao nhiệm vụ tự thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về cấp giấy chủ quyền nhà đất đã không đảm bảo tiến độ, nội dung thanh tra không sâu, không triệt để. "Mới chỉ rà soát, báo cáo tình hình thực hiện mà không làm rõ các vi phạm, tồn tại của công tác này nên không có giải pháp xử lý, khắc phục”, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Hồng Khanh chỉ rõ, và giao Sở TN&MT thanh tra lại một số quận, huyện, phường, xã có kết quả cấp Giấy chứng nhận yếu kém, có kết quả thanh tra công vụ không đạt yêu cầu, báo cáo UBND thành phố trước ngày 15-3-2012.

Điều này cho thấy thái độ vô trách nhiệm của một số người thực thi công vụ là nguyên nhân quan trọng khiến sổ đỏ tồn đọng, gây bức xúc trong nhân dân bấy lâu. Bộ TN&MT cũng nhìn nhận, việc chậm cấp Giấy chứng nhận có lỗi rất lớn của các cơ quan chức năng, đặc biệt ở Hà Nội. "Hiện một số đơn vị "ngâm” hồ sơ làm sổ đỏ quá lâu khiến dân không biết nguyên nhân tại sao. Bên cạnh đó, một số cán bộ vô cảm, gây nhũng nhiễu, cứ đo đi đo lại, tốn tiền của dân nên việc cấp sổ đỏ tại Thủ đô vẫn còn chậm”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh thẳng thắn nhìn nhận. Phải tăng cường công tác thanh tra công vụ, chấn chỉnh và xử lý nghiêm vi phạm của các cán bộ, công chức thực thi công vụ này.

Vấn đề là chỉ cho được đích danh "những con sâu” quen "ăn sổ đỏ”, kỷ luật thích đáng những đường dây "chạy sổ đỏ” lâu nay. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tại Thông báo 64/TB-VPCP ngày 28-2, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thanh tra điểm các khu vực dự án có tồn tại về cấp giấy chứng nhận chủ quyền nhà đất, nếu có sai phạm đề xuất biện pháp xử lý theo quy định và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết. "Hà Nội cần tiếp tục thanh tra, kiểm soát các vi phạm đất đai và xử lý nghiêm vài trường hợp để làm gương cho các dự án khác”, đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển khi tình trạng mua bán dự án, chuyển nhượng, làm sai thiết kế... ở Thủ đô diễn ra khá phổ biến dẫn tới không cấp được sổ đỏ cho dân.

Rõ ràng, chỉ đạo từ Trung ương, từ Bộ ngành, từ UBND các tỉnh, thành phố quyết liệt đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ đã rõ, phải làm rõ và xử lý dứt điểm những vướng mắc tồn tại, vi phạm pháp luật. Song cơ chế, điều hành quản lý đất đai trong đó có việc cấp sổ đỏ còn khá nhiều bất cập. Luật, nghị định còn kẽ hở tạo cơ chế "xin - cho”, vòi vĩnh, gây phiền hà trong dân, dự án "treo” chưa được triệt để thu hồi...

Cả nước hiện tồn tại 5 kiểu cấp sổ: sổ đỏ được cấp theo Luật Đất đai năm 1993, sổ đỏ cấp theo Luật Đất đai năm 2003, Giấy Chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) cấp theo Nghị định 61/CP năm 1994 về mua bán kinh doanh nhà ở, Giấy Chứng nhận quyền sở hữu nhà (sổ hồng mới) cấp theo Luật Nhà ở và Nghị định 90/2006/NĐ - CP năm 2006 và cuối cùng là sổ đỏ được cấp theo Nghị định số 88/2009/NĐ – CP. Dù đã quy về một mối, một Bộ có chức năng cấp sổ đỏ nhưng hai năm qua tiến độ cấp vẫn... chậm như rùa.

Tính đến đầu năm 2012, kết quả cấp sổ đỏ cả nước mới đạt 63,5%. Mới có 15 tỉnh hoàn thành trên 90%, còn 13 tỉnh đạt dưới 50%. Đặc biệt khu vực mới phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có tỷ lệ cấp đạt 19,3% tổng số căn hộ được duyệt. Hà Nội chỉ đạt 9,3%, TP.Hồ Chí Minh đạt 30%. Thống kê riêng Hà Nội, số căn hộ chưa được cấp sổ đỏ trên địa bàn rất lớn, đáng chú ý có gần 200.000 nhà dự án chưa có sổ đỏ, toàn bộ nhà tự quản chưa có số liệu thống kê.

Hồ sơ địa chính là công cụ quan trọng trong quản lý đất đai, song ở nhiều địa phương, chuẩn hóa hồ sơ số liệu địa chính tối thiểu tại cấp xã để phục vụ yêu cầu quản lý đất đai chưa đầy đủ, chưa cập nhật biến động thường xuyên đã ảnh hưởng lớn đến công tác cấp Giấy chứng nhận. Nhiều địa phương, kể cả hai thành phố lớn cũng chưa tiến hành tổ chức kiểm tra rà soát các quy định về thủ tục cấp. Chưa có đường dây nóng, hộp thư riêng, cho người dân một "kênh” tin cậy báo cáo tình trạng "bị hành khi đi làm sổ đỏ”... Trung ương chưa đề xuất chế tài xử lý các trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận nhưng hộ dân không đến nhận và thực hiện nghĩa vụ tài chính (sau khi cơ quan có thẩm quyền thông báo nhiều lần). Thành thử trách nhiệm tồn đọng sổ đỏ vẫn cứ "đổ lỗi tít mù vòng quanh”, khó chỉ ra đâu là khâu yếu kém nhất!
Cứ hình dung mà xem, một người dân vi phạm pháp luật thì chịu phạt, nhưng nếu một cơ quan có thẩm quyền, một người có thẩm quyền ra một quyết định trái pháp luật thì sao? Về bản chất, cái sai trong hai trường hợp không khác nhau nhiều lắm. Vậy mà Quyết định số 54/2007/QĐ-UBND (ngày 30-3-2007) của UBND TP.Hồ Chí Minh quy định danh mục các giấy tờ về tạo lập nhà ở, đất ở, làm cơ sở pháp lý để cấp giấy chứng nhận cho đến nay, là những tài liệu không có trong quy định các loại giấy tờ để cấp giấy chứng nhận theo luật Đất đai và các nghị định liên quan, như biên bản nghiệm thu công trình xây dựng hoàn thành, biên bản nghiệm thu hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật...

Tại Hà Nội, một số quy định thủ tục cấp sổ đỏ "trái luật” cũng đã được Bộ TN&MT yêu cầu sửa đổi hoặc huỷ bỏ. Theo Bộ Tư pháp, việc ban hành văn bản pháp luật sai có thể làm giảm 10%-15% GDP hàng năm. Rất cần có biện pháp xử lý trách nhiệm cá nhân, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật. Cán bộ, công chức vi phạm trong quá trình soạn thảo, thông qua văn bản trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị đề nghị xem xét khởi tố.

Công dân phải tuân thủ pháp luật, đội ngũ công chức, các cơ quan công quyền, trật tự kỷ cương, kỷ luật hành chính càng phải được tuân thủ nghiêm ngặt, Thực thi đồng bộ nhiều giải pháp, câu chuyện "chậm cấp sổ đỏ” sẽ tới hồi kết khả quan? Người dân hy vọng khi nhìn ra bản chất "ém sổ đỏ” chính là do cơ chế xin-cho với vô số thủ tục "hành dân” vô lối, những tệ nạn cơ chế nhức nhối này sẽ bị các cơ quan chức năng xoá bỏ tận gốc.
Theo Đại đoàn kết
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.