24/02/2017 8:46 AM
Phát biểu tại hội nghị giao ban trực tuyến giữa UBND thành phố với UBND các quận, huyện, thị xã về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (GCN), đấu giá quyền sử dụng đất sáng 23-2, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu thành lập thêm 2 tổ công tác liên ngành, tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc cho cơ sở, quyết tâm hoàn thành kế hoạch cấp GCN vào tháng 6-2017.
Nhiều vướng mắc từ cơ sở
Theo ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TN-MT), đến nay công tác cấp GCN cơ bản bảo đảm tiến độ kế hoạch. Tuy nhiên, tỷ lệ thửa đất chưa cấp GCN là những điểm “nóng” và còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Đầu tháng 2-2017, Sở tiếp tục triển khai 4 tổ công tác trực tiếp làm việc tại 30 quận, huyện, thị xã để kiểm tra và tháo gỡ khó khăn trong cấp GCN, đấu giá và giao đất dịch vụ. Về cơ bản các công việc đã đạt được tiến độ kế hoạch.
Người dân làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại bộ phận “một cửa” UBND huyện Chương Mỹ. Ảnh: Thái Hiền
Liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, ông Lê Tuấn Định cho biết, thành phố vừa ban hành kế hoạch năm 2017 với chỉ tiêu thu từ đấu giá quyền sử dụng đất đạt 10.000 tỷ đồng (tăng 141,54% so với năm 2016). Trong đó, có 68 dự án thành phố quản lý đã cơ bản đủ điều kiện đấu giá, với diện tích 57,46ha, dự kiến thu 7.707 tỷ đồng. Sau khi có kế hoạch, Sở TN-MT đã thành lập tổ công tác làm việc với các quận, huyện, thị xã, hướng dẫn rà soát danh mục, kế hoạch đấu giá, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu đã giao.
Dù được đánh giá đạt tiến độ kế hoạch, tỷ lệ thửa đất chưa cấp GCN không lớn, song đây lại là những thửa còn khúc mắc nhất vì nhiều lý do. Theo ông Vũ Ngọc Phụng, Chủ tịch UBND quận Hà Đông, nhiều thửa đất trước đây được giao trái thẩm quyền; có thửa là đất lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất; thậm chí có cả tình trạng thôn, xã tự ý đổi đất của người dân sang vị trí đất công khác để xây dựng công trình.
"Chúng tôi đã đề xuất với tổ công tác, trường hợp đổi đất ở (trước đây đã được cấp GCN) để lấy đất nông nghiệp, đất công thì nay cho phép thu hồi GCN đã cấp, công nhận quyền sử dụng đất và cấp GCN tại vị trí đất được đổi theo diện tích ghi trên GCN cũ" - ông Phụng nêu ví dụ.
Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, có trường hợp trước đây thu hồi đất làm dự án nhưng vì nhiều lý do khác nhau, dự án đã thay đổi song chủ đầu tư không làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch để làm cơ sở cho địa phương quản lý, cấp GCN cho các hộ gia đình. Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Phong Cầm kiến nghị, đối với các dự án chậm triển khai, thành phố cần có biện pháp đôn đốc hoặc thu hồi để quận có điều kiện giải quyết các vướng mắc cho nhân dân.
Liên quan đến xử lý nghĩa vụ tài chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần nêu, huyện đã có văn bản báo cáo tổ công tác liên ngành tháo gỡ khó khăn trong việc xác định hạn mức đất, để xử lý nghĩa vụ tài chính khi cấp GCN trường hợp thửa đất có 2 nguồn gốc (một phần là đất thổ cư, một phần do lấn chiếm), song đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của Sở TN-MT. Cũng theo ông Thuần, các trường hợp đất vườn, ao liền kề trong cùng thửa đất có nhà ở rất khó xác định nghĩa vụ tài chính khi chuyển đổi mục đích sử dụng, vì phần đất đó có rất nhiều nguồn gốc khác nhau.
Lập thêm 2 tổ liên ngành xử lý công việc
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng cho biết, thành phố đã nhìn ra những tồn tại, bất cập và đang giao cho các ngành chỉnh sửa, bổ sung quy định, cơ chế, chính sách theo thẩm quyền. Đồng thời yêu cầu Sở TN-MT rà soát, bố trí nhân lực, vật lực để đẩy nhanh tiến độ công tác cấp GCN cho các trường hợp khó khăn, phức tạp. Hạn định đến ngày 30-4-2017 phải hoàn thành việc kê khai cấp GCN quyền sử dụng đất và sở hữu nhà, để đến ngày 30-6-2017 hoàn thành cơ bản công tác cấp GCN.
“Thời gian tới, ngành TN-MT thành phố tiếp tục phối hợp cùng các quận, huyện, thị xã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, quyết tâm hoàn thành công tác cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho các tổ chức, cá nhân, bảo đảm thực hiện theo đúng tinh thần Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 17-5-2016 của UBND thành phố về các nhiệm vụ và giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn Hà Nội. Tôi đề nghị thành lập thêm 2 tổ công tác liên ngành nữa, tập trung hỗ trợ cơ sở, chủ động phối hợp với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là giải quyết những điểm “nóng” về cấp GCN" - Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Đối với công tác đấu giá quyền sử dụng đất, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, nhiệm vụ năm 2017 là rất nặng nề. 10.000 tỷ đồng phải thu là con số lớn nhưng là nguồn lực để thành phố đầu tư phát triển. Vì vậy các sở, ngành cần khẩn trương hướng dẫn các quận, huyện, thị xã để triển khai ngay nhiệm vụ này.
Tính lũy kế đến ngày 20-2-2017, thành phố đã cấp 1.319.397 GCN lần đầu trong khu dân cư (đạt 90,35%); 605.714 GCN sau dồn điền, đổi thửa (đạt 96,44%); 145.528 GCN cho nhà ở tại dự án (đạt 81,63%); 13.641 GCN cho tổ chức sử dụng đất (không bao gồm cơ sở tôn giáo tín ngưỡng, đạt 70,8%).
Thanh Hải (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.