Việc thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM sẽ tạo thuận lợi hơn về thủ tục. Các vướng mắc pháp lý được hiểu thống nhất, việc tính thuế theo cơ chế liên thông điện tử nhanh gọn.

Người dân đang thực hiện các thủ tục nhà đất tại VPĐKĐĐ TP.HCM (12 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh). Ảnh: HTD

Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM (VPĐKĐĐ TP) trực thuộc Sở TN&MT bắt đầu hoạt động từ ngày 1-7. Đơn vị được thành lập trên cơ sở hợp nhất từ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP và 24 văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của các quận, huyện lâu nay. “Việc sáp nhập trên tạo nhiều thuận lợi hơn cho người dân. Bản vẽ và các vướng mắc pháp lý sẽ được hiểu thống nhất, việc tính thuế theo cơ chế liên thông điện tử sẽ rất nhanh” - ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc VPĐKĐĐ TP, khẳng định.

Nâng tính chuyên nghiệp

. Phóng viên: Thưa ông, lý do gì dẫn đến sự hợp nhất nói trên?

+ Ông Phạm Ngọc Liên: Theo quan điểm của Bộ TN&MT, việc giải quyết các thủ tục đất đai như cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận, đăng ký biến động đất đai… là công việc mang tính chất tập trung và chuyên môn. Tuy nhiên, nhân sự tại 24 văn phòng đăng ký của các quận, huyện thường xuyên biến động do luân chuyển cán bộ. Mỗi lần luân chuyển, người mới phải cập nhật lại toàn bộ kiến thức, xem lại hồ sơ… Có nơi không đủ người nên bố trí cán bộ không có chuyên môn về văn phòng đăng ký.

Tháng 10-2014, sau khi kiểm tra công tác giao dịch bảo đảm tại các quận, huyện, Sở Tư pháp đã có văn bản góp ý một số quận, huyện bố trí cán bộ chuyên ngành kinh tế, tài chính kế toán (thay vì ngành luật) thực hiện công tác đăng ký giao dịch bảo đảm. Điều đó đã ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ, hiệu quả công tác. Vì thế, VPĐKĐĐ TP thành lập nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp và giữ sự ổn định của đội ngũ này.

. Việc hợp nhất có làm thay đổi quy trình giải quyết các thủ tục nhà đất cho người dân, thưa ông?

+ Theo quy định mới, việc cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận do bị rách, mất, hết trang cập nhật, có giao dịch… sẽ do VPĐKĐĐ TP thực hiện thông qua các chi nhánh đặt tại 24 quận, huyện và Sở TN&MT ký. Việc cấp mới giấy chứng nhận cho cá nhân vẫn do UBND quận, huyện thực hiện, phòng TN&MT thụ lý. Còn giao dịch bảo đảm như đăng ký thế chấp hay xóa thế chấp thì vẫn như lâu nay: Chi nhánh VPĐKĐĐ giải quyết và giám đốc các chi nhánh ký.

Không còn chuyện “mỗi nơi hiểu một cách”

. Nhiều người tỏ ra lo lắng vì theo quy định mới, hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận sẽ chuyển từ các chi nhánh tại quận, huyện lên VPĐKĐĐ TP rồi qua Sở TN&MT ký. Hồ sơ phải qua ba nơi khác nhau sẽ mất nhiều thời gian, dẫn đến ùn tắc, trễ hạn…

+ Tôi khẳng định việc thành lập VPĐKĐĐ TP sẽ không gây xáo trộn, người dân vẫn thực hiện thủ tục như lâu nay. Nơi nộp hồ sơ vẫn tại các quận, huyện. Thành phần hồ sơ y như cũ, thời hạn giải quyết theo quy định.

Còn về việc chuyển hồ sơ, chúng tôi đã ký hợp đồng với phía bưu điện bảo đảm hồ sơ từ quận, huyện đến VPĐKĐĐ TP hoặc từ văn phòng qua Sở TN&MT tối đa 24 tiếng (riêng Cần Giờ là 48 tiếng). Chiều ngược lại cũng vậy. Có ba phó giám đốc Sở TN&MT được phân công thực hiện việc ký hồ sơ.

. Vậy người dân được thuận lợi gì hơn so với trước đây, thưa ông?

+ Có một số vấn đề lâu nay vẫn chưa được sự thống nhất giữa các quận, huyện (như bản vẽ nhà đất) thì nay chỉ một địa chỉ duy nhất hướng dẫn và chịu trách nhiệm. Nhờ vậy người dân sẽ dễ hiểu, dễ thực hiện hơn.

Tương tự, những vướng mắc về pháp lý hay thủ tục cũng chỉ một nơi hướng dẫn nên không còn tình trạng mỗi nơi một cách hiểu, một cách làm. Ví dụ, trường hợp điều chỉnh giấy chứng nhận có sai sót về họ tên, địa chỉ, số chứng minh… thì trước đây một số nơi yêu cầu phải điều chỉnh giấy chứng nhận rồi mới cho đăng ký giao dịch bảo đảm. Nay Sở TN&MT đã hướng dẫn các văn phòng đăng ký thực hiện song song, vừa điều chỉnh vừa cho đăng ký để thuận lợi cho dân.

. Xin cám ơn ông.

Dân không phải lên cơ quan thuế

Ông Phạm Ngọc Liên thông tin hiện tại quận 9 và Gò Vấp đang thí điểm cơ chế liên thông bằng dữ liệu điện tử giữa cơ quan TN&MT (Phòng TN&MT hoặc văn phòng đăng ký) với cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính khi cấp giấy. Các trường hợp được áp dụng là chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất và cả đăng ký biến động đất đai.

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ nhà đất và cơ quan thuế sẽ chuyển nhận thông tin bằng dữ liệu điện tử. Khi nhận đủ dữ liệu, cơ quan thuế giải quyết trong bảy ngày làm việc, truyền lại kết quả cho cơ quan cấp giấy để in thông báo thuế và chuyển cho người dân để nộp. Người nộp thuế không phải tiếp xúc với người tính thuế. Nếu cơ quan thuế có thắc mắc chưa rõ, cơ quan cấp giấy sẽ căn cứ vào hồ sơ để trả lời. Chỉ những yêu cầu ngoài hồ sơ mới phải mời người dân.

Cẩm Tú (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.