Vị trí một số dự án tòa nhà cao 40 - 50 tầng gần chợ Bến Thành sẽ lần lượt mọc lên trong thời gian tới
Theo thống kê của các nhà quản lý bất động sản, không tính các tòa nhà đang hiện hữu, đã có hàng chục dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và khách sạn lớn nhỏ chuẩn bị mọc lên trên một số tuyến đường ở khu vực trung tâm, cụ thể như đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ - vốn được xem là những con đường đẹp ở thành phố.
Trong số các công trình này, tòa tháp đôi Bến Thành Tower do tập đoàn Bitexco xây dựng sẽ "phủ bóng" lên chợ Bến Thành - ngôi chợ lâu đời mà hình ảnh khu cửa nam đã được xem là biểu tượng của thành phố.
Ben Thanh Towers được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 8.600 mét vuông, bao bọc bởi bốn tuyến đường Calmette, Lê Thị Hồng Gấm, Phó Đức Chính và Phạm Ngũ Lão thuộc quận 1. Theo thiết kế, dự án này gồm hai tòa tháp cao 55 tầng, gồm khu căn hộ dịch vụ, văn phòng và trung tâm thương mại. Dự kiến, tòa tháp đôi này sẽ hoàn thành vào năm 2015.
Cách dự án Ben Thanh Towers không xa, khu đất hiện đang là bệnh viện Sài Gòn trên đường Lê Lợi và Huỳnh Thúc Kháng cũng sẽ được thay thế bằng một tòa cao ốc. Hiện thiết kế chi tiết về dự án vẫn chưa được công bố nhưng có thông tin cho biết Bitexco sẽ biến khu đất này thành một khách sạn trong thời gian tới.
Ngay bên cạnh dự án khách sạn của Bitexco, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) và một công ty con thuộc Gemadept đang có kế hoạch chuyển khu đất rộng khoảng 5.600 mét vuông trên tuyến đường Lê Lợi, đoạn gần bệnh viện Sài Gòn đến góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thành một dự án khu phức hợp. Dự kiến sau khi hoàn thành, dự án khu phức hợp này sẽ có 30.000 mét vuông diện tích văn phòng và một khách sạn 5 sao 400 phòng.
Đối diện cao ốc này, dự án SJC Tower cũng đang được xây dựng, với chiều cao dự kiến hơn 50 tầng, trên nền đất của tòa nhà ITC bị cháy hồi năm 2002.
Tập đoàn Keppel Land của Singapore cũng đang thi công giai đoạn 2 dự án Saigon Center ở góc đường Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa; công trình gồm tòa tháp cao 45 tầng bên cạnh tòa nhà 25 tầng hiện hữu. Khi hoàn thành dự án này sẽ bao gồm trung tâm bán lẻ, văn phòng cho thuê và căn hộ dịch vụ.
Ngoài ra, bên cạnh dự án khu phức hợp Eden do công ty Vincom đang xây dựng cạnh tòa nhà UBND TPHCM và Nhà hát Thánh phố, tòa nhà Thương xá Tax ngay góc đường Lê Lợi – Nguyễn Huệ có kế hoạch sẽ được thay thế bằng một tòa nhà cao 40 tầng.
Cách đó vài bước chân, tòa nhà BIDV Tower cao 40 tầng cũng đang trong quá trình xây dựng, và hơi chếch phía bên kia đường là dự án Times Square với hai tòa tháp cao 36 tầng đang trong giai đoạn hoàn tất, bên cạnh tòa nhà 68 tầng Bitexco Financial Tower vừa khánh thành.
Có thể nói việc các tòa cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại lớn được xây dựng thay thế cho các khu nhà cũ, đã xuống cấp, đang dần thay đổi bộ mặt khu trung tâm thành phố. Tuy nhiên, điều đó cũng khiến nhiều người e ngại áp lực giao thông tăng lên khi các cao ốc này đi vào hoạt động, vì đó sẽ là nơi thu hút hàng chục ngàn người đến mua sắm, làm việc mỗi ngày.
Một kiến trúc sư nhận định việc phát triển các cao ốc tại khu trung tâm sẽ làm tăng áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, nước, viễn thông) vốn đã yếu kém. Ngoài áp lực về mật độ dân cư còn là áp lực về phương tiện lưu thông ra vào khu trung tâm, vấn nạn kẹt xe và tình trạng ô nhiễm không khí.
Theo vị kiến trúc sư này, một khi khu trung tâm càng gia tăng các hoạt động dịch vụ liên quan đến bất động sản, thu hút người dân tập trung về đây để làm việc, sinh sống, kinh doanh... thì việc tổ chức các lối thoát ra vào khu vực này càng khó khăn hơn. Đây cũng là bài toán nan giải cho các nhà quản lý đô thị, trong mục tiêu cân đối lợi ích giữa việc cấp giấy phép cho các công trình cao ốc và mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, tăng thêm nguồn thu từ dịch vụ liên quan đến bất động sản và bảo tồn những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng.