Theo các chủ đầu tư, trong bối cảnh hiện tại, chủ đầu tư có cố gắng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và bàn giao công trình thì người mua cũng chưa chắc đã lo kịp tiền để đóng. Quan trọng nhất là hỗ trợ khả năng chi trả cho người mua, cho phép họ được vay vốn ưu đãi, trả góp dài hạn.
Bắt đầu triển khai chương trình nhà cho người thu nhập thấp đã có đến gần 300 doanh nghiệp đăng ký đầu tư xây dựng nhưng thực tế triển khai hiện nay chỉ còn lại khoảng 30 doanh nghiệp. Hơn 2 năm triển khai, hiện tại số lượng doanh nghiệp đưa được sản phẩm ra thị trường cũng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số lượng căn hộ vẫn chưa thể đáp ứng nổi nhu cầu về nhà ở cho hàng nghìn người thu nhập thấp trên cả nước. Vậy nhưng tại sao lại có hiện tượng nhiều khách hàng vẫn chưa thực sự mặn mà với nhà thu nhập thấp?

Nghịch lý nhà thu nhập thấp


Sau dự án nhà thu nhập thấp CT1 - Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) do Vinaconex Xuân Mai làm chủ đầu tư được đưa ra thị trường là một loạt gồm: dự án Kiến Hưng do Vinaconex làm chủ đầu tư, dự án Sài Đồng do Handico3 làm chủ đầu tư và dự án Đặng Xá do Viglacera làm chủ đầu tư cũng được mở bán. Thế nhưng, khác hẳn với thái độ vồ vập của khách hàng ở dự án đầu tiên, các dự án sau số lượng người đăng ký mua nhà đã giảm hẳn, thậm chí như dự án nhà thu nhập thấp Đặng Xá phải nhận hồ hơ đến lần thứ 3 mà vẫn không đủ người mua, trong khi nhu cầu về nhà ở vẫn đang rất bức xúc. Điều này đã được lý giải rất nhiều, nào là do bị giới hạn địa bàn đăng ký mua nhà, nào là giá quá cao… Vậy nhưng sau rất nhiều điều chỉnh, nhà thu nhập thấp vẫn tắc.


Dự án nhà thu nhập thấp Sài Đồng khi ký hợp đồng mua bán nhà, nhiều khách hàng đã phàn nàn về mức giá 13,27 triệu đồng/m2 là quá cao, tiến độ đóng tiền gấp không thể lo kịp được và sau rất nhiều băn khoăn mới dám ký vào hợp đồng mua bán. Trường hợp mới đây nhất là một số người đã làm hợp đồng mua bán căn hộ tại dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng xin rút lại hồ sơ do không có đủ khả năng tài chính.


Theo khẳng định của ông Đặng Hoàng Huy, Tổng Giám đốc Vinaconex Xuân Mai (đơn vị chủ đầu tư) thì chưa có trường hợp nào xin rút lại hồ sơ mà hiện đang có 6 trường hợp xin giãn tiến độ đóng tiền. Có thể thấy việc tắc của nhà thu nhập thấp ở đây không chỉ là những khó khăn của chủ đầu tư mà một phần rất quan trọng nữa đó là khó khăn của chính những người được quyền mua nhà thu nhập thấp.


Chị Nguyễn Thị Thu Hương (một khách hàng mua nhà tại dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng) cho hay, đợt một vợ chồng chị đã đóng hết gần 250 triệu đồng và đã phải vay ngân hàng một khoản, nhưng thời điểm đợt đóng tiền thứ 2 đã cận kề mà chưa biết xoay xở vào đâu nên thấp thỏm không yên. "Lãi suất ngân hàng hiện đang hơn 20% nên vợ chồng tôi không thể tiếp tục vay thêm nữa. Nếu chủ đầu tư không chấp nhận giãn tiến độ thì chúng tôi cũng chỉ có nước chấp nhận nộp phạt 5% như hợp đồng để rút hồ sơ về", chị Hương than thở.


Cân nhắc khả năng hỗ trợ người mua


Thông điệp được phát ra hôm 14/11 vừa qua từ Ngân hàng Nhà nước nới lỏng tín dụng từ nay đến cuối năm với 4 nhóm vay bất động sản, trong đó có doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân, tưởng như sẽ giải quyết được khó khăn cho nhà thu nhập thấp, tuy nhiên thực tế lại không hẳn như thế.


Cân nhắc hỗ trợ người mua nhà thu nhập thấp
Khó khăn về tài chính khiến nhiều người khó tiếp cận nhà thu nhập thấp.

Ông Bùi Đức Long, Tổng Giám đốc Vicoland (đơn vị đang tham gia xây dựng nhiều dự án nhà ở xã hội) băn khoăn, phía doanh nghiệp rất hoan nghênh khi đưa nhà ở xã hội ra khỏi nhóm phi sản xuất, nhưng giải pháp thế nào thì hiện nay doanh nghiệp vẫn chưa được biết cụ thể.


Theo như chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước vừa rồi thì cũng vẫn chỉ là vay vốn thương mại. Nếu dùng vốn vay thương mại để xây nhà thu nhập thấp thì với chi phí vốn cao sẽ khó để giữ được giá ở mức cho người có thu nhập thấp. Thêm nữa, đến cuối năm, các ngân hàng cũng phải đưa hạn mức phi tín dụng xuống 16%, do đó cũng khó mà các doanh nghiệp có nhu cầu được giải ngân. Do vậy, chưa thể khẳng định được việc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước vừa rồi có thể giải quyết được khó khăn cho doanh nghiệp tham gia xây nhà thu nhập thấp.


Theo các chủ đầu tư thì muốn đẩy mạnh phân khúc nhà thu nhập thấp thì không chỉ ở một phía của chủ đầu tư. Chủ đầu tư mới là 50%, 50% còn lại rất quan trọng là khách hàng. Trong bối cảnh hiện tại, chủ đầu tư có cố gắng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và bàn giao công trình thì người mua cũng chưa chắc đã lo kịp tiền để đóng. Quan trọng nhất là hỗ trợ khả năng chi trả cho người mua, cho phép họ được vay vốn ưu đãi, trả góp dài hạn.


Theo ông Trần Văn Nguyên, Phó Giám đốc Handico3 (chủ đầu tư dự án nhà thu nhập thấp Sài Đồng) cho biết, trước những khó khăn của khách hàng, đơn vị này đã phải tính trước các phương án giãn tiến độ đóng tiền. Còn ông Đặng Hoàng Huy, Tổng Giám đốc Vinaconex Xuân Mai cũng cho hay cũng sẽ cân nhắc giãn tiến độ đóng tiền trong thời hạn 1 tháng cho từng trường hợp khó khăn về tài chính. ông Huy cũng khẳng định, ngoài thời hạn này sẽ không cho tiếp tục giãn nợ và sẽ thực hiện theo quy định đã ký kết trong hợp đồng.


GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội rất lớn. Trong 4 nhóm đối tượng được vay bất động sản được nới mới đây, không phải ai cũng có sổ lương để thế chấp như ở nhóm thứ nhất. Do vậy, nên cho họ được vay ưu đãi dài hạn, trả góp và thế chấp bằng chính căn nhà của họ.


Việc này cần sự phối hợp của cả ngân hàng cùng với chủ đầu tư. Nới lỏng tín dụng với phân khúc nhà này cũng nên phải cụ thể rõ ràng, chẳng hạn như cho doanh nghiệp vay bao nhiêu phần trăm và người dân vay trả dần bao nhiêu phần trăm. Có như thế mới đẩy mạnh phát triển được phân khúc nhà thu nhập thấp.

Theo Phan Hoạt (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.