30/09/2012 10:26 AM
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn có địa phương chưa gắn việc tiếp công dân với giải quyết KNTC, phòng, chống tham nhũng và cải cách hành chính.

Ngày 27-9, Thường trực Thành ủy-HĐND- UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban định kỳ quý III/2012 với lãnh đạo 29 quận, huyện, thị xã và các sở, ban, ngành về công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) liên quan đến quản lý đất đai và giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn thành phố.

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn có địa phương chưa gắn việc tiếp công dân với giải quyết KNTC, phòng, chống tham nhũng và cải cách hành chính. Một số vụ việc chậm giải quyết, gây bức xúc cho người dân và phát sinh khiếu kiện vượt cấp. Thậm chí có nơi, có chỗ còn có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết KNTC còn hạn chế làm giảm lòng tin của người dân vào bộ máy chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo, nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ còn thấp, công tác tuyên truyền, vận động chưa quan tâm đúng mức… là những lý do chính dẫn đến tình trạng KNTC phức tạp.

Đến thời điểm này, trên địa bàn Thành phố còn 52 vụ KNTC tồn đọng, chưa được giải quyết dứt điểm (gồm 23 vụ liên quan đến quản lý đất đai, 10 vụ GPMB, 16 vụ tranh chấp đất đai, 3 vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND Thành phố, 9 tháng đầu năm 2012, Thành phố Hà Nội đã giải quyết 946/1.225 vụ liên quan đến đất đai và GPMB (gồm 785 vụ khiếu nại, 161 vụ tố cáo), đạt tỷ lệ 77%. Qua đó đã kiến nghị thu hồi 2.737 triệu đồng, hơn 6,7 ha đất, thu hồi 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trả lại cho công dân 25.649 triệu đồng và 634m2 đất, điều chỉnh 21 phương án bồi thường hỗ trợ GPMB, xử lý trách nhiệm 57 cán bộ, chuyển cơ quan điều tra 1 vụ. Ngoài ra, các cơ quan của Thành phố đã thụ lý 184 vụ tranh chấp về đất đai, đã giải quyết xong 152 vụ, đạt tỷ lệ 83%. Toàn Thành phố đã cấp trên 34.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hoàn thành GPMB 808 ha đất tại 116 dự án.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định, GPMB là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của thành phố nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp. Do đó, công tác giải quyết đơn, thư KNTC liên quan đến quản lý đất đai và GPMB luôn là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp, các ngành. Vấn đề giải quyết đơn, thư KNTC, không vụ việc nào giống vụ việc nào, không thể dùng kinh phí, hay công nghệ mà phải bằng tinh thần, trách nhiệm, sự tận tâm, tận lực, am hiểu chế độ, chính sách, pháp luật của người cán bộ.
Để tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc KNTC liên quan đến đất đai và GPMB trên địa bàn, đồng chí Phạm Quang Nghị lưu ý, các cấp, các ngành cần nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến trong công tác quản lý nhà nước về đất đai và giải quyết KNTC; trong đó cần đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Cùng với đó cần đề xuất với Trung ương đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tập trung vào lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai, GPMB, đầu tư xây dựng để hạn chế phát sinh KNTC. Cả hệ thống chính trị phải tích cực vào cuộc hơn nữa, giải quyết dứt điểm đơn, thư KNTC với tinh thần tăng cường phối hợp, không cứng nhắc, quan liêu; cần vận dụng quy định của pháp luật để giải quyết tối đa các lợi ích của người dân.

Đồng chí Bí thư Thành ủy cho rằng, cách thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất cần phải theo phương châm “công khai, dân chủ, công bằng”, bảo đảm quyền lợi thỏa đáng cho người dân; thực hiện tốt cơ chế, chính sách GPMB, nhà tái định cư, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, GPMB và giải quyết KNTC; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giám sát việc tiếp công dân và giải quyết KNTC. Nhất là các cấp, ngành cần chú trọng tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật; chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí để tạo sự đồng thuận trong thực hiện chính sách. Tăng cường phối hợp và bảo đảm an ninh trật tự trong giải quyết KNTC. Nếu cán bộ thực sự đặt mình vào địa vị người dân có lợi ích chính đáng, có bức xúc để suy nghĩ, tìm biện pháp tháo gỡ thì chắc chắn công tác giải quyết đơn, thư KNTC liên quan đến quản lý đất đai, GPMB sẽ hiệu quả.

Theo M.Tuấn (PL&XH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.