Đây được coi là vụ án hy hữu và có tính điển hình cho thị trường bất động sản Đà Nẵng – Quảng Nam, khu vực rất “hot” trong hai năm trở lại đây. Do đó, kết quả phân xử kiện tụng sẽ có tác động nhất định đến tâm lý nhà đầu tư địa phương trước các dự án khai thác hạ tầng khác.
Rắc rối do… chủ đầu tư đòi hỏi?
Trao đổi với CafeLand trước phiên tòa, đại diện lãnh đạo Công ty Bách Đạt An nhìn nhận, xuất phát điểm sự việc chính là tâm lý nóng vội của nhiều nhà đầu tư.
Theo hợp đồng, Công ty Bách Đạt An “bán đất nền” tại các dự án đã được huyện Điện Bàn (Quảng Nam) quy hoạch. Doanh nghiệp này ký hợp đồng với Công ty Hoàng Nhất Nam làm môi giới và công ty môi giới này thu hút được nhiều người đăng ký mua.
Các nhà đầu tư đã chuyển đến 90% giá trị đất mua vào tài khoản đơn của vị môi giới. Song do tiến độ thủ tục hành chính, công tác giám sát thi công ở địa phương có chậm trễ, tiến độ hoàn tất các thủ tục cấp chứng nhận quyền sử dụng đất bị chậm.
Cho rằng chủ đầu tư chây ỳ không giao “sổ đỏ”, một số nhà đầu tư đã lên tiếng và không đồng ý chờ đợi thêm. Bất đắc dĩ, doanh nghiệp đề nghị trả tiền đặt cọc. Nhưng các nhà đầu tư lại không chịu nhận số tiền ban đầu, yêu cầu phải trả theo giá thị trường.
Chủ đầu tư không thực hiện yêu cầu này, dẫn đến tranh cãi ồn ào. Các nhà đầu tư còn tổ chức “biểu tình” tại cơ quan chức năng để “nhờ” chính quyền can thiệp, hỗ trợ quyền lợi của họ. Bởi vấn đề thuộc hợp đồng dân sự giữa các bên mua bán, chính quyền không thể can thiệp, chỉ có thể qua phán xử tòa án mà định đoạt.
Trước ồn ào này, hai doanh nghiệp tố giác trách nhiệm của nhau trước pháp luật. Các nhà đầu tư từ vị thế khiếu kiện đòi quyền lợi, trở thành đối tượng có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Nên khi tòa bác bỏ đơn từ của hai doanh nghiệp, yêu cầu chủ đầu tư xúc tiến cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư, thì họ không còn lý do để khiếu nại nữa.
Đi một vòng về lại chỗ cũ!
Tại phiên xử sơ thẩm, hội đồng xét xử cho rằng, hợp đồng môi giới đã ký giữa hai doanh nghiệp không cần phải có ý kiến chủ đầu tư, đơn vị môi giới mới rao bán. Đơn vị này cũng đã chuyển tiền giao dịch môi giới đầy đủ cho chủ đầu tư, nên không vi phạm hợp đồng. Vậy chủ đầu tư có đơn kiện môi giới, đòi hủy hợp đồng là không hợp lý, tòa bác đơn.
Vấn đề nằm ở chỗ, chủ đầu tư đã nhận đủ tiền giao dịch mua bán đất nền từ môi giới, nhưng không thực hiện cam kết về thủ tục cấp chứng nhận quyền sử dụng đất với các giao dịch. Đây là nguyên nhân vụ việc, khi các nhà đầu tư không nhận được giấy tờ như đã cam kết. Vậy chỉ cần chủ đầu tư hợp tác với chính quyền để hoàn tất các bước thẩm định, đóng nghĩa vụ tài chính, là dự án được cấp chứng nhận và giao giấy tờ cho các nhà đầu tư.
Theo đó, tòa tuyên chủ đầu tư Bách Đạt An phối hợp địa phương chu toàn trách nhiệm làm giấy tờ thủ tục. Điều này cũng là trả lời của chủ đầu tư với các nhà đầu tư ngay từ đầu vụ việc. Một chuyên gia bất động sản nhìn nhận, hóa ra mọi kiện tụng, quay một vòng lại về lối cũ. Nhà đầu tư vẫn phải đợi chính quyền cấp chứng nhận, chủ đầu tư bàn giao, mà thời hạn làm được việc này, chủ đầu tư không chủ động được. Chung quy, các nhà đầu tư “tự mua dây trói mình, xong nhờ tòa gỡ”.
Câu chuyện 300 nhà đầu tư khiếu nại tại dự án mua đất nền Bách Đạt An đã tạm khép lại, nhưng câu hỏi thực chất hiệu quả công tác giám sát, tổ chức đầu tư ở các dự án hạ tầng đô thị tại Đà Nẵng, Quảng Nam vẫn treo lơ lửng. Điều này, theo một lãnh đạo sở Tài nguyên Môi trường Quảng Nam, cũng không đơn giản do địa phương quyết định được.
-
Công bố vi phạm của Bách Đạt An trong vụ 1.000 người đòi sổ đỏ
Công ty Bách Đạt An ký hợp đồng huy động vốn tại ba dự án khu đô thị khi hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ, chưa có cơ sở hạ tầng, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.