Liên quan dự thảo Luật Quy hoạch, hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau giữa một số cơ quan soạn thảo. Việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự luật này hết sức quan trọng, vì vậy cần những tính toán hợp lý, nhất quán, nhất là trong công tác quy hoạch xây dựng (QHXD).
Tổ hợp khu chung cư HH tại khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội). Ảnh: TIẾN TUẤN
Còn nhiều vướng mắc
Ngày 13-1-2017, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quy hoạch, trong đó chỉ đạo rõ: “Về QHXD: Bảo đảm có quy định trong dự thảo Luật theo hướng kế thừa, tích hợp đồng bộ và điều chỉnh quy hoạch xây dựng bao gồm QHXD vùng, Quy hoạch đô thị, QHXD nông thôn, QHXD khu chức năng đặc thù theo quy định hiện hành”.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, tính nhất quán trong chỉ đạo của Chính phủ về dự án Luật Quy hoạch rất cao, nhưng dự thảo Luật Quy hoạch lần này vẫn chưa tiếp thu đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng. Không bao quát hết các vấn đề cần điều chỉnh đối với lĩnh vực QHXD (mà hiện nay đã được quy định tương đối đầy đủ, đồng bộ trong các luật hiện hành, nhất là Luật Xây dựng 2014), khi thực hiện có thể dẫn tới sự xáo trộn không cần thiết và không bảo đảm tính thống nhất, xuyên suốt trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Cùng chung nhận xét, TS Đỗ Tú Lan cho rằng, cần làm rõ khái niệm và phạm vi trong dự thảo Luật Quy hoạch. Thực chất đây mới chỉ là định nghĩa của quy hoạch lãnh thổ và quy hoạch dài hạn, nhưng còn quy hoạch cho mục tiêu ngắn hạn thì chưa rõ ràng. Không thể đưa một khái niệm có tính áp đặt, dễ gây cách hiểu khác nhau khi áp dụng. Đồng thời, Dự thảo đề xuất bốn nhóm: Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch cấp tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia.
Tuy nhiên mới chỉ giải quyết được những vấn đề vĩ mô theo kiểu quy hoạch kinh tế - xã hội trước đây, mà chưa tính đến các vấn đề có tính kỹ thuật và khoa học đối với việc quy hoạch những không gian có điều kiện địa hình và những liên kết công trình vật chất cụ thể. Việc phân vùng để lập quy hoạch cần làm rõ hơn, nếu chia theo kiểu kinh tế - xã hội như trước đây (sáu vùng kinh tế) tất cả duyên hải từ bắc đến nam là một vùng kinh tế, dẫn đến việc quy hoạch vùng là bất hợp lý…
Để đạt mục tiêu đồng bộ, tránh chồng chéo, việc đưa ra một quy hoạch tích hợp có thể hợp lý, tuy nhiên ghép tất cả các bản quy hoạch thiết kế cho một vùng hay một tỉnh với đầy đủ nội dung cần thiết như hiện nay vào một quy hoạch chung là không thể, hoặc sẽ rất sơ sài. Do vậy dẫn đến tình trạng quy hoạch không dùng được, quy hoạch như một “nồi lẩu thập cẩm”.
Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, từ định hướng của Đảng phải bảo đảm đồng bộ quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các bộ luật, tập trung một đầu mối thẩm định, phê duyệt quy hoạch…, việc đưa ra luật quy hoạch chung có thể được xem xét.
Tuy nhiên, dự thảo Luật Quy hoạch chưa cho thấy tính khả thi, còn khá chung chung, và khi sửa đổi sẽ liên quan 51 luật và 59 nghị định (theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Luật Quy hoạch ảnh hưởng đến 72 luật và pháp lệnh). “Dự kiến, năm 2020, Luật Quy hoạch sẽ đi vào cuộc sống, chỉ tính riêng việc sửa đổi các luật liên quan sẽ không thể hoàn thành trong thời gian ngắn như vậy, chứ chưa nói đến thông qua Luật Quy hoạch”, TS Nghiêm nhấn mạnh.
Tránh tư tưởng áp đặt
Phó Viện trưởng Quy hoạch phát triển đô thị nông thôn - Bộ Xây dựng Nguyễn Thành Hưng cho rằng, nên xây dựng Luật Quy hoạch là bộ luật khung, nếu luật tham gia quá sâu về kỹ thuật thì chắc chắn gặp khó khăn. Kinh nghiệm của các nước tiên tiến là xây dựng quy hoạch theo hướng mở nhằm tránh áp đặt trong quá trình phát triển.
Các quy hoạch “trên” chỉ là khung, tạo điều kiện cho quy hoạch “dưới” phát triển, ngược lại quy hoạch “dưới” sẽ bổ sung thực tiễn để hoàn thiện các quy hoạch “trên”. Về bản chất, quy hoạch không phải sản phẩm của chính quyền, của đơn vị tư vấn... mà là của toàn dân. Do vậy, tùy từng giai đoạn, hoàn cảnh cụ thể, quy hoạch nên linh hoạt, bổ sung, cập nhật và căn chỉnh thông qua những phản hồi từ thực tiễn.
Có thể nói, QHXD là một loại quy hoạch vật thể, trực tiếp tạo lập, tổ chức không gian vật thể bao gồm các công trình bất động sản, nhà ở, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, QHXD có tính liên thông, thống nhất giữa các cấp độ khác nhau (QHXD vùng, đô thị, nông thôn và khu chức năng đặc thù), có tính đặc thù cao và là công cụ pháp lý, quản lý nhà nước cơ bản để kiểm soát quá trình phát triển, quá trình xây dựng đô thị và nông thôn theo quy hoạch và có kế hoạch.
TS Đỗ Tú Lan chia sẻ, hầu hết các quốc gia đang phát triển đều cần ít nhất hai hệ thống công cụ: Định hướng chiến lược tổng thể và ngành; Quy hoạch vật thể không gian. Đối với các quốc gia phát triển, việc tích hợp các công cụ gọn hơn, do đã trải qua hàng trăm năm xây dựng hệ thống luật pháp. Việt Nam cần học tập các nước để có cách làm khoa học và từng bước phát triển. Để lập một quy hoạch mang tính tổng hợp như dự thảo cần một cơ quan quản lý tổng hợp có đầy đủ trình độ và năng lực ở các cấp.
Theo quan điểm của Bộ Xây dựng, công tác quản lý thực hiện QHXD ngày càng đi vào nền nếp, trở thành công cụ quan trọng và không thể thiếu. Trong Dự thảo Luật Quy hoạch mới đây, các quy định về lĩnh vực QHXD chưa được quy định rõ và còn thiếu: Không quy định về QHXD trong hệ thống quy hoạch tại Việt Nam; QHXD chỉ được nêu, xác định bằng quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn... Do vậy, Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm làm việc với Bộ Xây dựng để thống nhất các nội dung về QHXD trong dự thảo Luật Quy hoạch để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Minh Thành (Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.