Nhiều dự án điện mặt trời đang gặp khó khăn khi triển khai do vướng mắt bởi Luật Quy hoạch (Ảnh minh họa/Mạnh Quân)
“Không biết ai trình ai đây”
“Trong vòng 3 năm tới, tôi e rằng sẽ không có một dự án khoáng sản mới nào được đưa vào khai thác. Các dự án của chúng tôi đang treo hết”, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) thở dài khi chúng tôi hỏi tình tình triển khai các dự án công nghiệp kể từ sau ngày luật Quy hoạch có hiệu lực (1/1/2019).
Ông Hoài giải thích, trước đây, nếu để lập một quy hoạch khoáng sản mất khoảng vài tháng đến nửa năm là nhanh thì nay, do yêu cầu tích hợp nên tất cả hàng chục loại khoáng sản từ quặng sắt, bô xít, ti tan… đều năm trong một bản quy hoạch.
“Chưa nói đâu xa, chỉ chuyện lập đề cương, chọn nhà thầu tư vấn thôi đã khó vì mỗi loại khoáng sản một tính chất, giờ hiếm có một nhà thầu nào có chuyên môn để lập được quy hoạch mấy chục loại, hay làm sao để họ liên doanh với nhau cũng chưa rõ”, ông Hoài ví dụ.
Chưa hết, theo ông Hoài, khó nhất là làm sao vừa lồng các loại khoáng sản với nhau nhưng phải phù hợp với một quy hoạch khách là quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. “Đặc biệt, rất nhiều mỏ khoáng sản trải dài qua nhiều tỉnh thì rồi đây không biết tỉnh lập quy hoạch trình bộ hay bộ lập quy hoạch trình tỉnh để tích hợp”, ông Hoài nói.
Đó là một ví dụ trong số vô vàn câu chuyện khó khăn khi thực hiện quy hoạch mới mà Bộ Công Thương đang gặp phải. Thống kê mới đây của Văn phòng Chính phủ cho biết, hiện có khoảng gần 370 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp không thể triển khai vì vướng quy hoạch, tập trung ở các dự án lưới điện, điện mặt trời, các dự án xử lý rác thải điện.
Ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện và Năng lượng tái tạo cho hay, quy định của Luật Quy hoạch mói quy định việc lập, điều chỉnh bổ sung các dự án lưới điện được tích hợp trong quy hoạch tỉnh là do UBND tỉnh trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thẩm định, mà chưa quy định thẩm quyền của bộ quản lý ngành.
Do đó, ông Kim cho biết, cơ quan này không rõ sẽ tham gia làm quy hoạch tỉnh thế nào (với phần điện, năng lượng). Bên cạnh đó, thực tế hiện nay cho thấy, rất nhiều trạm biến áp 110kV nằm tại vị trí ranh giới 2 tỉnh, có công năng cấp điện cho cả khu vực chứ không phải nội bộ 1 tỉnh.
Do vậy, nếu luật mới tách hệ thống lưới điện 11kV và nguồn điện vừa và nhỏ vào quy hoạch tỉnh sẽ làm giảm tính liên kết lưới điện cũng như khiến địa phương lúng túng vì không đủ khả năng dự báo cả nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương lân cận.
Hàng trăm dự án công nghiệp đang bế tắc được cho là do bất cập của Luật Quy hoạch (Ảnh minh họa/Mạnh Quân)
Tiến thoái lưỡng nan
Cũng theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, đang có 39 quy hoạch ngành quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh chưa thể triển khai do chưa có hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, có khoảng 25 quy hoạch các ngành như quy hoạch xây dựng vùng, tỉnh; quy hoạch khoáng sản; quy hoạch điện lực; quy hoạch cấp nước của các vùng kinh tế trọng điểm không thể ban hành. Rồi hàng loạt quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất 2016-2020 của các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Cà Mau, Hải Dương, không thể ban hành.
“Vừa rồi chúng tôi cũng xin thay đổi quy hoạch một số dự án titan để thực hiện các dự án năng lượng hay dự án nghỉ dưỡng, nhưng đều đều vướng cả”, một lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cho biết.
Khái quát tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” này, tại một cuộc họp của Tổ công tác Thủ tướng mới đây, khi thúc giục Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình nghị định hướng dẫn luật Quy hoạch, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói: “Những quy hoạch đang làm dở có làm tiếp không, có cho thẩm định không, thẩm định rồi có phê duyệt không. Những cái đã phê duyệt thì có tiếp tục cho điều chỉnh, bổ sung không hay tất cả nằm im tất”.
Tổ trưởng Tổ công tác cũng bày tỏ sự băn khoăn không biết bao giờ quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh tích hợp được. “Thủ tướng rất quan tâm vấn đề này. Vừa rồi họp thường trực Chính phủ các Bộ trưởng kiến nghị rất nhiều. Một nhà máy điện khởi công muốn đầu tư cũng không được. Một dự án giao thông muốn triển khai cũng phải dừng lại vì không có trong quy hoạch mà không bổ sung được. Nếu không sớm xử lý thì tất cả đình trệ hết”, ông Dũng lo ngại.
-
BĐS công nghiệp còn chịu bao cấp quá mạnh
CafeLand - Được đánh giá là phân khúc tiềm năng của thị trường, nhưng bất động sản công nghiệp cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như chính sách đất đai, nguồn vốn. Theo GS. Đặng Hùng Võ, phân khúc này đang còn chịu sự bao cấp quá mạnh nên thiếu tính gắn kết với thị trường.