Có nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận nhưng nhiều cán bộ, nhân viên của UBND quận, huyện không cập nhật kịp thời các văn bản mới ban hành; ngại trách nhiệm cá nhân; có ý muốn nhũng nhiễu…

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, việc cấp giấy chứng nhận (GCN) nhà, đất trên cả nước còn rất chậm. Thông qua các trường hợp đã tư vấn, hướng dẫn, tôi cho rằng bên cạnh các trở ngại khách quan, lý do chậm trễ phần lớn là do thái độ, nhận thức của cán bộ, nhân viên trong chính các cơ quan có thẩm quyền.

Có quy định nhưng không áp dụng

Tháng 12-2008, bà B. “bán” 600 m2 đất tại quận T. Phần đất này thuộc một phần thửa đất ở rộng 1.100 m2. Sau khi công chứng xong, bà nộp hồ sơ tại UBND quận thì bị trả ra với lý do “trên đất có nhà ở xây dựng không phép”. Quận đề nghị bà nhận lại hồ sơ và liên hệ với đơn vị đo vẽ (để chỉnh lại bản vẽ hiện trạng) và thanh tra xây dựng để được xử lý theo quy định.

Sau khi thực hiện xong các thủ tục liên quan, bà B. tiếp tục nộp hồ sơ tại UBND quận. Nhưng hồ sơ cũng bị trả lại với lý do như các lần trước. Trong hơn hai năm, sau bốn lần nộp hồ sơ đều bị trả lại, bà B. và người mua đã tính đến chuyện hủy hợp đồng. Song hai bên không thống nhất được giá cả nên đành buông xuôi.

Đầu năm 2010, bà B. lại nộp hồ sơ và lại bị trả. Lần này sau khi tìm hiểu kỹ các quy định của Nghị định 88/2009 của Chính phủ và Thông tư 17/2009 của Bộ TN&MT (về cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất), bà B. đã đăng ký gặp lãnh đạo UBND quận để làm rõ nội dung trả hồ sơ. Tiếp bà là năm cán bộ chủ chốt phụ trách mảng này. Tuy nhiên, lãnh đạo quận vẫn cho rằng không có cơ sở để giải quyết. Bà đã dự định sẽ khiếu nại và sau đó khởi kiện vụ án hành chính (nếu cần). Rất may, sau đó khoảng 10 ngày bà nhận được tin từ UBND quận đề nghị nộp lại hồ sơ. Tính ra, bà B. mất gần ba năm mới xong bộ hồ sơ tách thửa, tách sổ.

Đa số người dân phải đi lại nhiều lần khi làm thủ tục nhà đất. Ảnh: HTD

Từ chối không có căn cứ xác đáng

Năm 2001, ông T. được UBND huyện nọ cấp giấy đỏ với diện tích hơn 3.000 m2. Năm 2004, ông T. chết do tai nạn giao thông. Lúc này bạn gái của ông T. tranh chấp với vợ con của ông T. Năm 2005, tòa án huyện ra quyết định công nhận hòa giải thành. Theo đó, vợ con ông T. đưa cho người tranh chấp 100 triệu đồng để sau đó kê khai thửa đất trên theo quy định.

Năm 2009, vợ ông T. liên hệ cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất để lập bản vẽ phân chia di sản theo hướng phân chia thửa đất thành hai phần. Cho rằng việc cấp GCN trước đây không đúng diện tích nên cơ quan này yêu cầu bà phải làm thủ tục điều chỉnh mới cho đo vẽ. Họ bắt phải có mặt tất cả những người con của bà (trong đó có năm người ở nước ngoài) thì mới giải quyết thủ tục điều chỉnh diện tích.

Thấy yêu cầu quá vô lý, vợ ông T. đã đăng ký gặp lãnh đạo để hỏi cho ra lẽ. Thủ trưởng cơ quan đăng ký vẫn cho rằng phải có tất cả những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông T. thì mới có cơ sở giải quyết. Bấy giờ, vợ ông T. mới phản biện: “Tất cả các con đều đã ủy quyền hợp lệ cho tôi; vả lại việc cấp GCN trước đây sai là lỗi của cơ quan nhà nước” nhưng cơ quan đăng ký vẫn lắc đầu.

Rốt cuộc, vợ ông T. phải mất hơn một năm sau mới chỉnh lại được diện tích cho phù hợp với thực tế và tốn gần 4 triệu đồng tiền bản vẽ (phục vụ cho việc chỉnh diện tích). Tiếp nữa, bà phải mất thêm gần một năm mới có được bản vẽ để làm cơ sở phân chia di sản và khoảng một tháng để có GCN.

Khắc phục thế nào?

Có thể thấy các cơ quan cấp GCN không giải quyết hoặc chậm giải quyết xuất phát từ những lý do sau: Pháp luật quy định còn thiếu tính đồng bộ; cơ quan cấp GCN không cập nhật kịp thời các văn bản mới ban hành; ngại trách nhiệm cá nhân; có ý muốn nhũng nhiễu…

Để đẩy nhanh tiến độ cấp GCN, tôi có một số đề nghị như sau:

- Liên kết thông tin giữa các cơ quan liên quan (TN&MT với cơ quan thuế, UBND cấp xã): Nếu làm được điều này, chúng ta sẽ chấm dứt được việc một số quận tại TP.HCM buộc người dân phải làm thủ tục xác nhận vị trí đất để làm cơ sở tính thuế mặc dù thửa đất thuộc mặt tiền và có tên trong bảng giá đất…

- Nâng cao năng lực cán bộ trong các cơ quan cấp GCN. Thời gian vừa qua, một số chi cục Thuế tại TP.HCM vẫn thu thuế TNCN đối với trường hợp cha mẹ chuyển nhượng đất cho con. Họ cho rằng chỉ có tặng cho mới được miễn!

- Cấp trên giám sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của UBND cấp dưới. Hiện nay một số nơi yêu cầu người dân nộp những loại giấy tờ không cần thiết: Khi bán nhà, chủ nhà phải xuất trình hợp đồng mua nhà trước đó, hợp đồng mua bán của chủ trước, giấy nộp tiền vào ngân sách, tờ khai tiền sử dụng đất... trong khi nếu trước đó thiếu những giấy tờ này thì người dân đã không được cấp GCN. Theo tôi, kể cả tờ khai lệ phí trước bạ cũng không nhất thiết phải xuất trình khi giao dịch.

- Xem xét trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu nếu để xảy ra thái độ nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, nhân viên của các cơ quan cấp GCN.

Luật sư LÊ VĂN HOAN (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Theo Pháp Luật TP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.