28/09/2013 4:41 PM
Thủ tục phức tạp, vướng víu; tiền sử dụng đất quá cao khiến tiến độ cấp giấy đỏ bị chậm.

Theo Nghị quyết số 30/2013 của Quốc hội và Chỉ thị số 05 ngày 24-4-2013 của Thủ tướng, trong năm 2013 việc cấp giấy đỏ phải đạt trên 95% đối với trường hợp đủ điều kiện; đạt 85% diện tích sử dụng trở lên đối với các loại đất chính. Tuy nhiên, tiến độ cấp giấy hiện khá chậm. Để “gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ cấp sổ đỏ”, sáng 27-9, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với sự tham gia của đại diện Bộ TN&MT.

Đề xuất miễn lệ phí trước bạ

. Cổng TTĐT Chính phủ: Hàng ngàn hộ gia đình ở TP.HCM và một số địa phương xin trả lại hồ sơ và từ chối giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do tiền sử dụng đất phải đóng quá lớn, bên cạnh đó là khoản lãi phạt chậm nộp lên tới 18% năm. Đến nay, Bộ đã có hướng điều chỉnh và giải quyết như thế nào?

+ Ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai: Việc thực hiện Nghị định 120 của Chính phủ có vướng mắc ở vấn đề xác định thu tiền sử dụng đất của các hộ trước 15-10-1993, trong hạn mức nộp 50%, ngoài hạn mức thì nộp 100% sát giá thị trường. Hộ sử dụng sau ngày 15-10-1993 phải nộp 100% theo giá UBND tỉnh quy định đối với trong hạn mức, còn ngoài hạn mức thì phải nộp 100% theo giá thị trường. Có vướng mắc thu tiền sử dụng đất đối với hộ sử dụng đất vượt định mức và phải nộp nghĩa vụ tài chính và lệ phí trước bạ khi cấp giấy lần đầu. Vì vậy một số hộ kêu số tiền quá cao. Bộ TN&MT báo cáo Chính phủ và Bộ Tài chính và Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì để sửa đổi Nghị định 120, trong đó có quy định thu tiền sử dụng đất và chậm nộp tiền sử dụng đất sẽ xử phạt.

Nhiều hộ dân ở nông thôn không quan tâm đến giấy chứng nhận do phải đóng tiền sử dụng đất quá cao khi làm thủ tục. Ảnh: HTD

. Cổng TTĐT Chính phủ: Hiện nay một lượng lớn sổ đỏ đang nằm trong “ngăn kéo” tại các phường, xã trong cả nước. Tại TP.HCM có hơn 40.000 trường hợp đủ điều kiện nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận. Tại Đồng Nai có 98% thửa đất đã có sổ đỏ nhưng lượng tồn kho chưa phát lên đến hơn 30.000 sổ. Xin ông cho biết nguyên nhân, hướng giải quyết đối với những trường hợp trên?

+ Ông Lê Văn Lịch: Có nhiều nguyên nhân vướng mắc như lệ phí trước bạ, tiền sử dụng đất theo Nghị định 120 với mức thu cao hơn so với nguồn thu nhập của người dân, nên tình trạng nhiều người dân không có điều kiện nộp lệ phí trước bạ và vấn đề ghi nợ nhiều người dân chưa hiểu rõ và chưa đóng tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ. Cũng có một số hộ dân thờ ơ trong việc nhận giấy chứng nhận vì cho rằng đất vẫn ở và không có vấn đề gì.

. Cổng TTĐT Chính phủ: Hiện Bộ TN&MT đang đề xuất Chính phủ miễn nộp lệ phí trước bạ trong việc cấp giấy đỏ. Vấn đề này được thực hiện như thế nào?

+ Ông Trần Hùng Phi, Cục trưởng Cục Đăng ký và thống kê đất đai, Bộ TN&MT: Tại nhiều địa phương, còn tồn đọng khá lớn giấy chứng nhận đã ký nhưng chưa trao được cho người dân. Một trong những nguyên nhân là liên quan tới việc thực hiện nghĩa vụ tài chính. Mức thu lệ phí trước bạ hiện tại là 0,5%. Đối với hộ nông dân ở nông thôn thì thông thường phải nộp từ 3 triệu, 5 triệu, 10 triệu đồng. Số tiền này còn là cao. Hướng sửa đổi là chúng tôi đề nghị quy định, khi cấp giấy chứng nhận lần đầu thì những trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc ông cha để lại cũng miễn lệ phí trước bạ như trường hợp được nhận thừa kế.

Cán bộ nhũng nhiễu

. Bạn đọc có email [email protected] hỏi: Theo quy định thì hồ sơ xin cấp đổi giấy đỏ, nếu đầy đủ thì tối đa 15 ngày làm việc phải trả kết quả. Nhưng nhiều hồ sơ của tôi được ngâm 2-6 tháng. Cho đến khi tôi phải nộp tiền “bồi dưỡng” thì chỉ sau năm ngày là xong giấy đỏ. Hiện nay công tác thanh kiểm tra đã được thực hiện như thế nào, có những chế tài gì để xử lý các cán bộ nhũng nhiễu để vòi vĩnh?

+ Ông Trần Hùng Phi: Hiện UBND cấp tỉnh được quy định thời gian giải quyết giấy đỏ với từng trường hợp. Một số địa phương đã quy định thời gian cấp giấy đỏ lần đầu không quá 15 ngày. Đúng là hiện nay, nhiều địa phương cấp giấy đỏ cho người dân vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa bảo đảm được thời gian quy định này.

Tình trạng này có nhiều nguyên nhân. Cơ bản là do các trường hợp cấp giấy đỏ còn tồn đọng có nguồn gốc rất phức tạp. Nhiều trường hợp tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm Luật Đất đai nên rất khó giải quyết. Nhiều trường hợp người dân mua bán bằng giấy viết tay, không có cơ quan nào xác thực. Nhiều trường hợp nộp tiền sử dụng đất qua nhiều thời kỳ... Vì vậy, việc giải quyết rất khó.

Bên cạnh đó, hệ thống văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tại các địa phương mới được thành lập, lượng cán bộ hiện nay còn thiếu so với yêu cầu. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến việc cấp giấy. Ngoài ra, cũng có những nguyên nhân chủ quan là đội ngũ cán bộ còn hạn chế về trình độ. Không loại trừ một số cán bộ lợi dụng nhũng nhiễu gây ảnh hưởng cho người dân.

. Bạn đọc có email [email protected]: Hiện người dân muốn có giấy đỏ, phải đi xin cấp. Mà đi xin thì dễ sinh tiêu cực. Nên chăng, Nhà nước cần có sự thay đổi. Làm sao cán bộ phải đi xin cấp sổ đỏ cho dân, thì sẽ hết tiêu cực ngay. Cách làm là khoán định mức cho mỗi cán bộ phải hoàn thành ở từng khu dân cư. Nếu không xong, thì sẽ có hình thức kỷ luật khiển trách, thậm chí nặng hơn là buộc thôi việc.

+ Ông Lê Văn Lịch: Theo quy định hiện hành, người sử dụng đất phải đăng ký với cơ quan nhà nước. Trên cơ sở đó, cơ quan nhà nước có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.

Đối với các nước, chủ sở hữu, sử dụng đất bỏ kinh phí thực hiện công tác đo đạc lập hồ sơ địa chính. Tại Việt Nam, Nhà nước đầu tư các công tác đo đạc địa chính đất đai, người dân nộp khoản lệ phí cấp giấy chứng nhận và phí thẩm định theo Thông tư 97 của Bộ Tài chính, theo quy định của UBND các tỉnh.

. Cổng TTĐT Chính phủ: Thông tin hạn chế, thủ tục phức tạp, quá trình cấp sổ đỏ kéo dài, vì vậy có rất nhiều người dân chấp nhận “lót tay” cho trung gian vì sợ phức tạp. Ông nghĩ sao về điều này?

+ Ông Lê Văn Lịch: Tình trạng đã xảy ra một số nơi, đặc biệt ở thành phố. Nguyên nhân do đất đai có nguồn gốc phức tạp, bản đồ địa chính ở một số địa phương còn thiếu và một số cán bộ thoái hóa, năng lực yếu, chưa thực hiện hết trách nhiệm công chức, gây phiền hà, tiếp tay cho cò mồi và trung gian.

Để khắc phục, Bộ TN&MT tập trung chỉ đạo các địa phương, đặc biệt các quận, huyện nơi thực hiện trung tâm giao dịch hành chính một cửa. Công khai hóa bộ hồ sơ thủ tục và quy trình thực hiện và cử cán bộ trực tiếp tiếp nhận, có thời gian giao nhận và trả. Thứ hai là tăng cường công tác thanh kiểm tra. Bộ có kế hoạch thanh tra công tác cấp giấy chứng nhận diện rộng triển khai ở các tỉnh và thành phố. Cuối năm sẽ có tổng hợp và báo cáo.

Hoàng Vân (Pháp Luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.