Thực hiện hàng loạt đồ án
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Thế Công thừa nhận, sau khi địa giới hành chính Thủ đô tăng 3,6 lần, đồ án quy hoạch xây dựng chung được phê duyệt, các dự án, đồ án phải dừng để rà soát, khớp nối... Đây là giai đoạn khó khăn nhất đối với nhà đầu tư nói chung, DN bất động sản nói riêng; đồng thời việc phát triển kinh tế - xã hội cũng suy giảm do thất thu trong lĩnh vực đất đai. Dự án cũ phải dừng, dự án mới càng không thể triển khai vì tiền đề lập dự án đầu tư là thông tin quy hoạch chưa có. Năm 2011-2012, các dự án đề nghị cung cấp thông tin quy hoạch đều nhận được ý kiến trả lời "chờ quy hoạch phân khu, quy hoạch chung được duyệt" - ông Nguyễn Thế Công nói
Trao đổi, góp ý về đồ án quy hoạch tại Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt
Trước khó khăn, bức xúc của DN và yêu cầu phát triển của thành phố, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã xác định quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, cần phải làm ngay và lấy năm 2012 là "Năm quy hoạch". Từ đó, một khối lượng công việc lớn đã được thực hiện đồng loạt, gồm 68 đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chung; hàng trăm đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, chưa kể 401 quy hoạch xây dựng nông thôn mới và hơn 60 quy hoạch ngành. Tính đến hết quý I-2015, UBND thành phố đã thông qua 30/33 đồ án quy hoạch chung, 29/35 đồ án quy hoạch phân khu, ước hoàn thành 87% khối lượng các đồ án (59/68 đồ án). Trong 4 năm, kể từ năm 2011, Sở đã trình UBND thành phố phê duyệt 500 hồ sơ nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết các khu chức năng đô thị, hai bên tuyến đường, làm cơ sở thực hiện dự án đầu tư, quản lý kiến trúc. Nhờ vậy, thời điểm này cơ bản đã đủ điều kiện, cơ sở pháp lý về quy hoạch để cung cấp thông tin, phục vụ các dự án đầu tư.
Liên quan đến đồ án, dự án phải rà soát, ông Nguyễn Thế Công cho biết, trong 700 đồ án, dự án, chỉ có 153 đồ án, dự án thuộc nhóm 1 được phép tiếp tục triển khai và cập nhật vào quy hoạch chung xây dựng. Số còn lại đều phải điều chỉnh, khớp nối. Sau khi các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu được thông qua, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã lần lượt thực hiện 4 đợt rà soát, lập danh mục 181 dự án cần điều chỉnh, thông báo đến DN; 67 đồ án, dự án đủ điều kiện nghiên cứu mà không cần chờ quy hoạch phân khu, quy hoạch chung được phê duyệt cũng được cập nhật.
Thời gian là cơ hội của nhà đầu tư
Đến thời điểm này, mặc dù các thủ tục về quy hoạch xây dựng được công nhận có chuyển biến tích cực, song các nhà đầu tư tiếp tục kiến nghị thành phố cải cách, đổi mới, rút gọn thủ tục, hướng tới DN nhiều hơn nữa. Đại diện Công ty Minh Giang - ông Chu Phú Cường nói, các chỉ tiêu quy hoạch, phạm vi, khu vực, cần được quy định cụ thể, rõ ràng. Luật, nghị định, thông tư, quyết định của thành phố là cơ sở quản lý nhà nước, đồng thời cũng là cơ sở để DN, nhà đầu tư thực hiện nên càng rõ bao nhiêu, DN càng dễ làm bấy nhiêu. Ông Giang Quốc Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty UDIC đề nghị, nhiều chỉ tiêu quy hoạch đã lỗi thời, chẳng hạn quy định chung cư chỉ cao 9-11 tầng, dẫn đến lãng phí cho nhà đầu tư. Đại diện Tập đoàn Vingroup phản ánh, các cán bộ thụ lý hồ sơ phải đi họp nhiều, nên chăng thành phố giảm bớt họp hành, tăng thêm nhân lực giải quyết hồ sơ cho DN.
Các kiến nghị của nhà đầu tư tại hội nghị tiếp xúc DN đã được lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc ghi nhận. Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thế Công cho biết, Sở đã thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho DN, do một phó giám đốc sở làm tổ trưởng. Đầu quý II-2015, Sở tiếp tục trình UBND thành phố phê duyệt thêm 7 đồ án quy hoạch và trong 9 tháng cuối năm sẽ hoàn thành phê duyệt 100% đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu còn lại. Như vậy, từ năm 2016, các dự án có đủ cơ sở về quy hoạch khu vực để triển khai quy hoạch chi tiết, làm cơ sở thực hiện đầu tư.
Theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thế Hùng, Sở đang tập trung tiếp tục rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ. Trường hợp xong trước hẹn, phòng ban giải quyết chủ động thông báo ngay đến nhà đầu tư để nhận kết quả. Trong quá trình thụ lý, nhà đầu tư có thể trình bày toàn bộ đồ án, Hội đồng Thẩm định tiếp thu ngay những đề xuất phù hợp nhưng đồng thời cũng chỉ ra ngay những đề xuất chưa phù hợp quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn. Như vậy, việc thẩm định công khai, minh bạch hơn, hạn chế tối đa bổ sung hồ sơ thủ tục hành chính. Việc liên thông giữa các sở, ngành cũng đổi mới; tùy từng đồ án, dự án mới lấy ý kiến cơ quan cần thiết; không nhất thiết xin ý kiến tất cả các sở, ngành nếu không liên quan. "Chúng tôi hiểu thời gian là cơ hội, là tiền bạc của nhà đầu tư" - ông Nguyễn Thế Hùng nói.