Nhiều vấn đề lớn được nêu ra và trao đổi tại Diễn đàn Kiến trúc sư (KTS) châu Á diễn ra cuối tháng 8 vừa qua tại Đà Nẵng. Đây có thể là những gợi mở cho việc phát triển, bảo vệ các đô thị Việt Nam, trong đó có Thủ đô Hà Nội.
Những nền tảng lớn của đô thị

Mang chủ đề lớn "Đô thị châu Á thế kỷ XXI", Diễn đàn KTS châu Á lần thứ 16 (Arcasia Forum 16) cung cấp cái nhìn tổng quan về xu hướng phát triển, những thách thức đặt ra với đô thị châu Á. Qua đó cho phép các KTS, các nhà quy hoạch, xây dựng có những liên hệ tới sự phát triển của mỗi đô thị cụ thể tại nước mình. Được biết, có tới hơn 600 đại biểu trong nước và hơn 200 đại biểu nước ngoài tham dự, trong đó ngoài đại biểu châu Á còn có các KTS, học giả từ châu Mỹ, châu Phi, châu Đại Dương.
 EmailPrint Các vấn đề đô thị tại Diễn đàn Kiến trúc sư châu Á 16: Có thể áp dụng cho Hà Nội
Người dân xem quy hoạch chung Hà Nội. Ảnh: Nam Khánh

Tại đây, một phiên họp của hội thảo khoa học mở đã bàn về thách thức của toàn cầu hóa, của thiên tai đối với các đô thị châu Á cùng những bài học thích ứng. Một phiên họp khác bàn về vấn đề chống thiên tai và kiến trúc xanh của các đô thị. Văn hóa trong phát triển đô thị châu Á thế kỷ XXI cũng là đề tài được trao đổi sôi nổi tại phiên họp thứ ba. KTS Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, đơn vị đăng cai tổ chức diễn đàn cho biết: Các đại biểu nêu rõ châu Á là một lục địa rất giàu bản sắc. Tuy nhiên, thách thức lớn hiện nay là làm sao bảo lưu và phát triển sự đa dạng, độc đáo của nó thể hiện trong các giá trị văn hóa đô thị, trong kiến trúc giữa bối cảnh hội nhập?

Rõ ràng những gì đặt ra ở diễn đàn này có thể coi là nguồn tư liệu với nhiều thông tin mới, nhiều quan điểm thú vị trong việc quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị ở nước ta, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi Hà Nội đang tích cực phát triển đô thị ra ngoài khu vực trung tâm, trên cả vùng diện tích vốn có và diện tích mở rộng. Trên tinh thần phát triển các khu đô thị của Thủ đô Hà Nội giàu mạnh, văn minh, hiện đại, bảo tồn được các giá trị văn hóa, bảo vệ thiên nhiên, thân thiện với môi trường… những kinh nghiệm rút ra từ diễn đàn trên đều là bài học để lường trước khó khăn, thuận lợi trong những năm tới.


Nhiều cái hay cho Hà Nội

Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được trưng bày tại Cung Triển lãm quy hoạch quốc gia Mỹ Đình, những ngày qua đã thu hút đông đảo nhân dân tham khảo, bình luận. Điều đó cho thấy mối quan tâm sâu sắc với tương lai của Thủ đô trên mọi lĩnh vực, trong đó có vấn đề phát triển đô thị. Trong quy hoạch chung, ngoài các bản quy hoạch cơ sở hạ tầng, kinh tế, y tế, giáo dục, thể thao… các vấn đề văn hóa, môi trường, cảnh quan… cũng được giới thiệu đầy đủ. KTS Nguyễn Quốc Thông cho rằng: Hà Nội có thể tham khảo quan điểm bảo tồn văn hóa như một cách giữ gìn bản sắc cho đô thị. Trong đó, bảo tồn các di sản phong phú của vùng trung tâm cũng như những khu vực bên ngoài khi các khu đô thị lan rộng là những ưu tiên trọng tâm. Đó chính là nền tảng tạo nên văn hóa đô thị của Thủ đô. KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam đặt vấn đề: Phát triển đô thị không chỉ là cơ học mà phải đặt trên nền tảng văn hóa của kinh kỳ kẻ Chợ và xứ Đoài.


Trong thực tế, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển luôn là bài toán thách thức. Phát triển hiện đại cũng như hài hòa với yếu tố truyền thống dường như mới chỉ đạt được phần nào trong phát triển đô thị, kiến trúc Hà Nội. Ông Bùi Minh Ý ở phố Đại La đến thăm triển lãm, chia sẻ: "Quy hoạch có hướng đi lớn, nhưng làm được hay không? Làm được thì hay, song giữ sự hài hòa giữa đô thị hóa với di sản là rất khó! Tìm lại được cái cổ, cái cũ, muốn giữ được hết thực sự không dễ dàng". Liên quan đến phát triển đô thị xanh, vành đai xanh, kiến trúc xanh của Hà Nội, anh Văn Trung ở Xã Đàn cho rằng: "Tôi đã xem quy hoạch đô thị lõi, cảnh quan sinh thái… Tôi thấy xây dựng đô thị hơi nhiều. Công viên cây xanh còn ít. Đại công viên nằm xa quá thì đô thị lõi không được hưởng nhiều". Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nhận định: "Quy hoạch tương đối hoàn chỉnh. Cái mà Hà Nội thiếu nhất là không gian cây xanh. Nếu có nhiều thì rất mừng".


Được biết, tại diễn đàn vừa qua, một trong những vấn đề "nóng" được bàn tới là sự tôn trọng hình thái không gian, cảnh quan trong phát triển đô thị. Không gian, cảnh quan tự nhiên là một phần tạo nên những nét riêng đặc trưng của mỗi đô thị. Thực tế, nhiều thành phố phát triển bên sông, trong khu vực thung lũng, đồi, núi, bên các hồ lớn… của châu Á đã rất có ý thức bảo vệ những điều kiện "trời cho" này. Hà Nội hiện nay là một vùng rộng lớn trên 3.000km2, bao gồm cả sông lớn và hệ thống sông ngòi nhỏ, các đồi núi thấp rải rác trên địa bàn, vùng bán sơn địa và khu vực núi Ba Vì… Việc phát triển các khu đô thị, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ các đô thị, nhất là với chùm đô thị vệ tinh cũng như các thị trấn, thị tứ đang có xu hướng đô thị hóa, nhất thiết phải tôn trọng các yếu tố, tránh can thiệp thô bạo, làm biến dạng cảnh quan, ô nhiễm nguồn nước, môi trường… Hiểu như thế, song đây là công việc không chỉ của các nhà quản lý, các kiến trúc sư mà là của từng người dân sống trong đô thị.


Những diễn đàn quy mô khu vực về kiến trúc như trên thiết nghĩ cần phải được tuyên truyền rộng rãi, mạnh mẽ hơn nữa. Bởi lẽ, sức mạnh tiềm ẩn của nó nằm ở chính sự hội tụ các ý kiến chuyên môn, ở khả năng làm lan tỏa trong cộng đồng những quan điểm mới, tiến bộ về xây dựng, bảo vệ đô thị.
Theo Lưu Nguyễn (HNM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.