Dự án xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Khu đô thị Mỹ Đình II, huyện Từ Liêm, Hà Nội. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Trong số này có 85 dự án dành cho người thu nhập thấp, tương đương 51.895 căn hộ với tổng mức đầu tư khoảng 23.822 tỷ đồng. Cùng đó là 39 dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, có quy mô xây dựng khoảng 27.000 căn hộ với tổng mức đầu tư khoảng 6.850 tỷ đồng.
Theo Bộ Xây dựng, bộ đã phối hợp với một số địa phương trọng điểm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng để thành lập Tổ công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ (căn hộ nhỏ dưới 70 m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2). Qua đó, tại thành phố Hà Nội, có 15 dự án đã kiến nghị được chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với tổng số căn hộ dự kiến chuyển đổi khoảng 5.500 căn hộ nhà ở thương mại thành 10.600 căn hộ nhà ở xã hội.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chấp thuận chủ trương cho phép chuyển đổi 6 dự án, ngoài ra còn 6 dự án đang tiếp tục xem xét, 3 dự án không đủ điều kiện. Như vậy, tại Hà Nội, có 25/30 dự án nhà ở thương mại được điều chỉnh cơ cấu, đạt số lượng khoảng 14.300 căn hộ, tăng trên 4.400 căn.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xem xét 26 dự án; trong đó 10 dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với số lượng căn hộ xin chuyển sang làm nhà ở xã hội khoảng 10.200 căn hộ, tăng trên 4.300 căn; 15 dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ với số lượng căn hộ thương mại điều chỉnh khoảng 10.700 căn hộ, tăng trên 2.400 căn; 01 dự án xin chuyển đổi nhà ở thương mại sang công trình dịch vụ (chuyển đổi thành bệnh viện 500 giường).
Tuy nhiên, cho đến nay, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mới chấp thuận cho phép điều chỉnh và chuyển đổi 4 dự án.
Việc triển khai phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua cho thấy hiện nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế nhưng bước đầu đã “vào nhịp.”
Một số chủ đầu tư dự án đã bắt đầu xét duyệt, ký hợp đồng bán nhà. Việc thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng, chuyển đổi dự án, vay vốn ưu đãi để đầu tư phải trải qua nhiều thủ tục, liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau.
Tuy nhiên, Chính phủ mới ban hành Nghị định 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội với sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn của Nhà nước và quy trình thủ tục rõ ràng hơn, điều kiện xác định đối tượng thông thoáng hơn. Đây cũng là cơ sở để Bộ Xây dựng cùng các thành phố lớn tiếp tục triển khai Nghị quyết 02 nhằm tăng mạnh nguồn cung nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ, góp phần điều hòa giá bất động sản trên thị trường./.