Ảnh minh họa
Cục này phân tích: Theo quy định tại Điều 114 Luật Nhà ở thì chủ sở hữu nhà ở chỉ được thế chấp nhà ở tại một tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam và nhà ở thế chấp có thể bảo đảm thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ nếu giá trị của nhà ở đó lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ. Việc công chứng hợp đồng thế chấp và đăng ký giao dịch bảo đảm về nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về công chứng, pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.
Cũng theo Cục, trong việc thế chấp nhà ở, quy định của Luật Nhà ở không có mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự bởi vì Bộ luật Dân sự là quy định chung, còn Luật Nhà ở là quy định chuyên ngành. Mặt khác, theo quy định tại Điều 3 Luật Nhà ở, trong trường hợp có sự khác nhau của Luật Nhà ở với pháp luật có liên quan về sở hữu nhà ở, phát triển, quản lý việc sử dụng, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở thì áp dụng quy định của luật này.
“Hiện nay, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được Tổ biên tập gửi lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và các bộ, ngành địa phương. Sau khi có ý kiến góp ý, Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp, tiếp thu và chỉnh sửa dự thảo để báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định” - Cục thông tin thêm.
Như báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, tại TP.HCM các giao dịch thế chấp nhà giữa cá nhân với cá nhân đang bị ách tắc. Theo cách hiểu của nhiều người, do Bộ luật Dân sự không hạn chế và Luật Đất đai cũng cho phép cá nhân được thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất cho cá nhân nên cá nhân được quyền thế chấp nhà cho nhau. Chỉ khi nào cần đảm bảo thực hiện nhiều nghĩa vụ thì việc thế chấp nhà mới buộc phải thực hiện tại một ngân hàng. Thế nhưng theo hướng dẫn ngày 12-9 của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) và ý kiến nêu trên của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thì cá nhân không được phép thế chấp nhà cho cá nhân mà phải thế chấp cho một ngân hàng. Hiện các tổ chức hành nghề công chứng đều từ chối công chứng giao dịch này giữa các cá nhân.