Dân không hợp tác
Vợ chồng ông Lê Văn Hai - bà Nguyễn Thị Tùng đưa phóng viên xem “giấy xác nhận quyền sử dụng đất vườn” do ông Hai đứng tên có diện tích 1.180m2, có chữ ký xác nhận của ông Dương Hồng Châu - Chủ tịch UBND xã An Chấn.
Bà Tùng cho hay, khu đất này được gia đình bà khai hoang từ năm 1976 để trồng dưa, bắp và đậu phộng. Nay chính quyền thu hồi giao cho Công ty Sao Việt, nhưng do hỗ trợ đất với giá quá thấp nên gia đình không đồng ý. Tương tự, hộ ông Nguyễn Văn Lanh và một số hộ khác có đất tại đây cũng có giấy tờ chứng minh sở hữu đất như vợ chồng bà Tùng...
Theo ông Nguyễn Xuân Khiêm - Trưởng phòng TNMT huyện Tuy An, đất rừng phòng hộ và đất lấn chiếm thì không được bồi thường.
Còn đất tại gành Bà, trước đây người dân tự khai hoang, mà trong quá trình sản xuất, do đất cằn cỗi nên người dân đã bỏ hoang nên chỉ được hỗ trợ. Tại Thông báo số 694 ngày 26.10.2012, UBND tỉnh Phú Yên đã thống nhất với chủ đầu tư, hỗ trợ về đất cho các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án bằng 50% giá trị đất rừng sản xuất cùng vị trí, tức 6.500 đồng/m2.
Tuy nhiên, hầu hết các hộ dân được hỗ trợ đều không hợp tác trong việc xác định ranh giới, diện tích để chủ đầu tư hỗ trợ, vì họ cho rằng mức hỗ trợ 6.500 đồng/m2 là “chỉ bằng nắm xôi”. Mới đây, chính quyền tỉnh Phú Yên đã yêu cầu Công ty Sao Việt điều chỉnh mức hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án KDL Bãi Xép, từ 6.500 đồng/m2 lên 10.000 đồng/m2...
Bít lối ra biển của dân
Không chỉ vậy, nhiều hộ dân trong vùng phản ánh, Dự án KDL Bãi Xép gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân, như làm cản trở đường dân sinh xuống biển, mất tự do đi lại, thu tiền ra vào bãi tắm…
Dự án KDL Bãi Xép do Công ty TNHH Du lịch Sao Việt làm chủ đầu tư, được giao đất hoàn toàn từ năm 2009, với diện tích gần 25ha, có giá thuê đất chỉ 18.000 đồng/m2 trong vòng 50 năm. |
Theo quan sát của phóng viên, xung quanh khu vực dự án có khá đông người dân sinh sống, chủ yếu làm nghề biển. Điều khác lạ là cửa chính vào KDL Bãi Xép luôn đóng kín cửa. Người ngoài muốn ra vào đều phải đi qua con đường đất kề bên hông cửa chính; trong khi đó, nhiều đoạn tường rào bao quanh khu du lịch được xây dựng theo kiểu “xiên xẹo, lắt léo”...
Về vấn đề này, bà Trần Thị Tâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty Sao Việt cho rằng: Trước đây, người dân không hề tắm ở Bãi Xép, chỉ từ khi công ty này làm sạch bãi biển và đường bê tông thì họ mới xuống tắm; và không có chuyện thu tiền của dân khi vào tắm, doanh nghiệp chỉ thu tiền du khách tắm nước ngọt với giá 20.000 đồng/lần.
Cũng theo bà Tâm, trong quy hoạch được duyệt của chính quyền tỉnh, không có con đường dân sinh xuống biển mà người dân cho rằng bị “phong tỏa”. Thế nhưng UBND tỉnh Phú Yên vừa yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương xây dựng tuyến giao thông để người dân thôn Mỹ Quang Bắc (An Chấn) đi ra biển làm ăn, sinh hoạt…
Riêng việc bà Tâm nói “trước đây, người dân không hề tắm ở Bãi Xép” là điều khó chấp nhận, bởi đây là bãi biển đẹp, được bao bọc giữa hai bãi đá vươn ra biển, mà từ bao đời nay người dân quen gọi là gành Ông và gành Bà, được nhiều người biết đến từ lâu…