Bộ Xây dựng vừa có văn bản thống nhất với Ngân hàng Nhà nước nhằm đưa ra loạt giải pháp “cứu cánh” thị trường bất động sản đang trầm lắng.

Theo đó, hai cơ quan sẽ thiết lập cơ chế phối hợp để trao đổi thông tin hàng tháng về tình hình tín dụng bất động sản và tình hình thị trường bất động sản.


Điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay


Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký văn bản số 1004 đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, điều chỉnh chính sách tiền tệ phù hợp để quản lý thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững.


Sau khi thực hiện những giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có việc thắt chặt tín dụng cho vay bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng có thể điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay đối với từng khoản mục tín dụng.


Chính vì vậy, Bộ này đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu không tăng tỷ trọng tín dụng bất động sản trong tổng dư nợ của toàn hệ thống, nhưng cần phải điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay đối với từng khoản mục tín dụng bất động sản.


Cụ thế, một số khoản mục phải giảm tỷ trọng, như: vay xây dựng khu đô thị; vay xây dựng văn phòng (cao ốc) cho thuê; vay xây dựng để chuyển nhượng trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng; vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để bán; vay mua quyền sử dụng đất hoặc bồi thường giải phóng mặt bằng, khởi công dự án mới.


Bộ Xây dựng có “cứu” được thị trường bất động sản?

Bộ Xây dựng đề nghị giảm tỷ trọng cho vay xây dựng khu đô thị, văn phòng (cao ốc) cho thuê


Nhưng một số khoản mục cần phải tăng tỷ trọng cho vay, như: vay xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà, xưởng) phục vụ sản xuất kinh doanh, vay mua nhà để ở. Còn một số khoản mục có thể giữ nguyên tỷ trọng, như: vay xây dựng - kinh doanh trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng; vay xây dựng, sửa chữa nhà để ở hoặc đối với các dự án dở dang cần vốn để tiếp tục hoàn thành sản phẩm, bán và thu hồi vốn đầu tư.


Bộ cũng đề xuất nghiên cứu thêm hình thức "chuyển nợ" từ nhà đầu tư sang người mua nhà bằng cách ký lại khế ước vay giữa ngân hàng với nhà đầu tư sang khế ước vay giữa ngân hàng với người mua nhà. Bằng cách này sẽ không làm tăng tỷ trọng tín dụng bất động sản nhưng sẽ tạo thanh khoản cho nhà đầu tư có vốn để tái đầu tư.


“Cứu cánh” thị trường


Khoảng từ tháng 3, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng. Không có mấy giao dịch thành công, với đất nền, nhiều vùng bị làm giá, các chung cư đắt tiền đã giảm trên dưới 10 triệu đồng/m2 nhưng vẫn vắng khách.


Nguyên nhân của tình trạng này được chỉ ra một phần do Chính phủ thắt chặt các chính sách tín dụng nhằm kiềm chế lạm phát.


Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu trước 30/6 các ngân hàng phải giảm dư nợ cho vay phi sản xuất trong đó có bất động sản xuống dưới 22% và đến cuối năm phải xuống dưới 16%.


Được biết, tháng 5/2011, theo phân công của Thủ tướng, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước phân tích, đánh giá và báo cáo Chính phủ về tình hình hoạt động của thị trường bất động sản, đề xuất giải pháp tổ chức, quản lý phù hợp.


Với cách làm như trên vậy, Bộ Xây dựng cho rằng, đã tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững, khắc phục những khiếm khuyết để thị trường bất động sản trở thành động lực, thúc đẩy các thị trường khác phát triển.


Đồng thời, không để thị trường bất động sản trở thành nhân tố gây lạm phát cao, tác động xấu lan truyền đến hệ thống các tổ chức tín dụng và ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế.


Hồi cuối tháng 5, Bộ Xây dựng cũng có văn bản báo cáo Thủ tướng về các vấn đề xây dựng, bất động sản. Theo đó, hiện nay, ngân hàng phân định được tỷ lệ vay của các loại hình bất động sản, nhưng không phân biệt được loại hàng hóa thiết yếu và không thiết yếu (nhà ở cao cấp, nhà ở bình dân, bất động sản nghỉ dưỡng ...).


Điều này dễ dẫn đến vốn tập trung nhiều vào các dự án nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Khi thị trường bão hòa sẽ dễ đổ vỡ, thị trường 'bong bóng' thường xuất phát từ sự phát triển quá nóng các bất động sản cao cấp./.

Theo Thái Linh (Tổ Quốc)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0