Theo đồ án quy hoạch, Vùng tỉnh Bình Phước có tổng diện tích 6.871,54km2, quy mô dân số đến năm 2020 khoảng 1,14 triệu người, đến năm 2030 khoảng 1,6 triệu người, dân số đô thị khoảng 855 nghìn người.
Đến năm 2020, Bình Phước có 16 đô thị, trong đó có: 1 đô thị loại III (Đồng Xoài), 2 đô thị loại IV (Phước Long, Bình Long), 13 đô thị V (Đồng Phú, Tân Lập, Tân Tiến, Chơn Thành, Tân Khai, Lộc Ninh, Thanh Bình, Thiện Hưng, Phú Nghĩa, Bù Nho, Phú Riềng, Đức Phong, Đức Liêu).
Định hướng quy hoạch phát triển các khu chức năng Vùng tỉnh Bình Phước như sau:
Phát triển các khu công nghiệp tập trung đã được Chính phủ cho phép, đồng thời phát triển các khu công nghiệp trong Khu liên hợp đô thị - dịch vụ - công nghiệp Đồng Phú. Bên cạnh đó phát triển các cụm công nghiệp tập trung;
Phát triển khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, huyện Lộc Ninh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư. Phát triển 3 khu kinh tế cửa khẩu quốc gia là Hoàng Diệu, Tân Thành và Lộc Thịnh;
Phát triển tiểu vùng du lịch sinh thái phía Đông Bắc gắn với các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh tự nhiên khu vực Phước Long trong đó có núi Bà Rá, hồ thủy điện Thác Mơ, rừng quốc gia Bù Gia Mập;
Phát triển tiểu vùng du lịch phía Đông Nam gắn với rừng quốc gia Tây Cát Tiên, khu du lịch sinh thái Trảng cỏ Bù Lạch;
Phát triển tiểu vùng du lịch phía Tây Bắc gắn với các di tích lịch sử, cách mạng tại Lộc Ninh, Bình Long;
Phát triển du lịch đô thị gắn với du lịch sinh thái tiểu vùng trung tâm gồm Đồng Xoài, Đồng Phú và Chơn Thành;
Phát triển khu du lịch sinh thái 19.000 ha tại huyện Bù Đốp gắn với Vườn quốc gia Bù Gia Mập.
Về quy hoạch hạ tầng giao thông:
Nâng cấp, mở rộng các tuyến Quốc lộ 13, 14 và đường tỉnh 741 thành các trục giao thông theo tiêu chuẩn cấp II đồng bằng, kết nối với các tỉnh xung quanh và với Vương quốc Campuchia;
Xây dựng mới đường cao tốc TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Chơn Thành, cửa khẩu Hoa Lư;
Xây dựng mới tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh, Đắk Nông - Chơn Thành,...
Vùng tỉnh Bình Phước có phía Nam giáp tỉnh Bình Dương; Phía Bắc giáp tỉnh Đắk Nông và Campuchia; Phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai; Phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và Campuchia.