Ngày 9-9, ông Nguyễn Văn Trăm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã có buổi đối thoại trực tiếp với hàng trăm người dân đại diện cho hàng ngàn hộ dân tại 6 xã bị thu hồi đất để làm Dự án khu Đô thị - Dịch vụ - Công nghiệp (ĐT-DV-CN) Đồng Phú. 6 xã đó là Tân Lập, Tân Hòa, Tân Lợi, Tân Hưng, Tân Phước và Đồng Tiến thuộc huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.
Theo đó Dự án khu ĐT-DV-CN Đồng Phú có tổng diện tích bị thu hồi là 14.169 ha, do Công ty TNHH MTV Cao su Bình Phước làm chủ đầu tư. Sau khi thông báo dự thảo về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án khu ĐT-DV-CN Đồng Phú được đưa ra, ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân thuộc 6 xã tại huyện Đồng Phú nên người dân đã gửi đơn kiến nghị đến UBND tỉnh, thậm chí người dân còn tổ chức họp phản đối chính sách bồi thường do lãnh đạo địa phương ban hành.
Buổi đối thoại công khai được tổ chức tại hội trường UBND huyện Đồng Phú. Hàng ngàn hộ dân đã tới dự nhưng chỉ có hơn 100 được tham gia với tư cách đại diện. Vì vậy hơn 2.000 người dân không được vào hội trường, đã phải tụ tập ngoài các con đường xung quanh UBND huyện Đồng Phú để nghe ngóng nội dung đối thoại khiến cả khu vực trở nên căng thẳng. Điều đáng nói, đây là cuộc đối thoại công khai, nhưng khi một số phóng viên cơ quan báo, đài xin vào dự để đưa tin thì bị công an ngăn cản.
Tại buổi đối thoại, UBND tỉnh Bình Phước cho rằng nguồn gốc đất của dự án nêu trên thuộc đất lâm phần nên người dân có đất đang canh tác, sinh sống không đủ điều kiện để được bồi thường về đất, chính quyền địa phương dự kiến chỉ có chính sách hỗ trợ đất, tài sản trên đất...
Đại diện người dân khẳng định không phản đối chính sách thành lập dự án của Nhà nước, nhưng không đồng tình với dự thảo bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong Dự án khu ĐT-DV-CN Đồng Phú, mà UBND tỉnh Bình Phước gửi đến người dân. Theo hàng ngàn hộ dân có đất bị thu hồi trong dự án, dự thảo cho rằng phần đất nằm trong dự án là đất lâm phần, chỉ hỗ trợ 30% diện tích đất sản xuất đất nông nghiệp là không chính xác và không thỏa đáng vì như vậy sẽ đẩy người dân vào cảnh màn trời chiếu đất, không có đất sản xuất. Hầu hết diện tích đất nằm trong dự án đều được người dân chuyển nhượng và canh tác ổn định lâu năm, có nhiều hộ sinh sống và canh tác từ những năm 1982 của thế kỷ trước. Thậm chí hàng trăm hộ còn được cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất.
Sau khi nghe ý kiến của hàng trăm đại diện người dân 6 xã, ông Nguyễn Văn Trăm cho biết đây chỉ mới là dự thảo và còn phải trình cấp cao hơn, đồng thời ông Trăm cũng hứa ghi nhận và tổng hợp mọi ý kiến để có cơ sở giải quyết thỏa đáng cho người dân bị ảnh hưởng trong vùng dự án.
-
Mức hỗ trợ việc làm, xuất khẩu lao động cho người bị thu hồi đất tại Đồng Nai từ 10/12/2024
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 72/2024/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người có đất thu hồi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai....
-
Căn cứ xác định giá đất để tính tiền bồi thường?
Xin hỏi, đối với việc bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, giá đất để tính tiền tại thửa đất thu hồi được xác định là giá đất cụ thể hay đất tại bảng giá? Giá đất tại thửa đất dự kiến bồi thường bằng đất được xác định là...
-
Bồi thường bằng đất ở khi Nhà nước thu hồi đất ở tại Quảng Nam thế nào?
Từ ngày 10/11/2024, việc bồi thường bằng đất ở khi Nhà nước thu hồi đất ở tại Quảng Nam được quy định trong Quyết định 31/2024/QĐ-UBND.