Câu chuyện mà ông Q., ngụ đường Ụ Ghe, khu phố 2, phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TP.HCM kể nghe xong không biết nên khóc hay nên cười.

Cốt nền phải lụy… “cốt sân”!


Ông Q. là giám đốc một công ty xây dựng. Khi ông xin phép xây nhà thì trong giấy phép xây dựng do quận cấp cho ông ở mục “cốt nền” ghi: “Cao hơn sân 15 cm”. Thông tin này là đánh đố ông bởi “cốt sân” đâu phải là chuẩn để dựa vào đó mà tính toán cho cao độ của nền nhà. “Ở nhiều công trình tôi thi công, hầu hết người dân đều ngó sang nền nhà hàng xóm khi quyết định độ cao nền nhà hơn là dựa vào những thông tin của các cơ quan chức năng về cốt chuẩn ở khu vực” - ông Q. nói.


Ông Lê Xuân Huân cùng hẻm với ông Q. kể thêm: “Năm 2002 làm nhà, tôi cho xây nền nhà cao hơn đường cả mét. Làm vậy là để phòng sau này đường nâng và để tránh ngập, dù mỗi khi dắt xe ra vào nhà là cả vấn đề. Ở xóm tôi, cứ nhà sau xây lên là nền nhà cao hơn nhà trước nhằm tránh ngập, để phòng sau này đường nâng lên thì nhà không thấp hơn đường.


Nhưng giờ đây, sau nhiều lần mọi người trong xóm nâng đường, nhà tôi đã thấp hơn đường. Nhưng chưa dừng lại, đường trước nhà sau này sẽ được Nhà nước mở rộng, nâng cấp (đã có quy hoạch) nên việc nâng cao đường là đương nhiên. Cho nên tôi vừa lên kế hoạch… sửa nhà, nâng nền nhà cao hơn mặt đường hiện hữu thêm gần mét nữa” - ông Huân tóm lược về thực trạng ở xóm mình.


Căn cứ để ông Huân nâng thêm 1 m mà không phải là 0,5 hay 1,5 m là “dựa vào thực tế ở địa phương và kinh nghiệm cá nhân” chứ hoàn toàn không căn cứ trên thông tin hay khuyến cáo nào từ phía các cơ quan chức năng.


BI HÀI CUỘC ĐUA NÂNG ĐƯỜNG - NÂNG NHÀ - BÀI 2: Đường lên thì nền nhà lên!

Nhà cao, nhà thấp với nhiều bậc thang. (Ảnh chụp trên đường Hưng Phú, quận 8) Ảnh: HTD


Áng chừng để xây nhà


Chính sự thiếu hướng dẫn, định hướng từ phía cơ quan chức năng nên mỗi chủ mỗi nhà tự quyết cao độ nền nhà của mình. Trở lại hẻm 27 đường Âu Dương Lân, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều căn nhà mới xây sau này đã xây nền nhà cao chót vót. Ở đường Hiệp Bình (quận Thủ Đức). Trong khi việc nâng cấp, sửa chữa tuyến đường này đang ở giai đoạn hoàn tất thì nhiều căn nhà đã bị thấp hơn mặt đường. Tuy vậy, vẫn có nhiều căn nhà có nền khá cao so với mặt đường mới. Điển hình căn nhà 153 Hiệp Bình (phường Hiệp Bình Chánh) đang cao hơn cả mét so với mặt đường vừa được thảm nhựa. “Biết đâu sau này đường lại được nâng cao nên phải làm nền nhà cao cho chắc ăn” - chủ căn nhà 153 Hiệp Bình nói.


Tương tự, chủ căn nhà 489 Kha Vạn Cân (phường Linh Đông, quận Thủ Đức) đã xin phường sửa chữa, đôn nền nhà lên khi thấy đường Kha Vạn Cân đang nâng cao. Mặc dù nền nhà này đã từng được đôn cao gần cả mét so với cao độ nền đường hiện hữu nhưng khi bờ kè dọc tuyến đường hình thành thì khả năng nền nhà này vẫn sẽ thấp hơn đường khi dự án sửa chữa, nâng cấp đường Kha Vạn Cân hoàn thiện.


Cũng cạnh tuyến đường Kha Vạn Cân, dọc dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài đi qua địa bàn quận Thủ Đức đã có một số căn nhà vừa được xây dựng xong. Mặc dù theo yêu cầu của UBND TP.HCM, các đơn vị liên quan đang xây dựng quy chế quản lý kiến trúc, xây dựng làm cơ sở thực hiện thiết kế đô thị dọc tuyến đường này nhưng độ cao của từng căn nhà cũng mấp mô tùy theo quyết định của chủ nhà.


BI HÀI CUỘC ĐUA NÂNG ĐƯỜNG - NÂNG NHÀ - BÀI 2: Đường lên thì nền nhà lên!

Mặt đường cao lêu nghêu, dắt xe ra vô nhà phát mệt! Ảnh: MP


Thích nâng cao bao nhiêu thì nâng


Nhiều năm qua TP.HCM đã có nhiều nỗ lực chống ngập nhưng chưa xử lý xong các điểm ngập cũ thì phát sinh thêm các điểm ngập mới, đặc biệt là tại khu vực ngoại thành. Một trong những nguyên nhân chính khiến TP bị ngập nặng, theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM, TP có khoảng 60% diện tích có cao trình dưới 1,5 m. Trong khi đỉnh triều cường thường xuyên vượt mức này thì những vùng thấp thuộc các quận 2, 6, 7, 8, Bình Thạnh, Thủ Đức... sẽ bị ảnh hưởng và thường xuyên bị ngập.


Một điều dễ nhận thấy, việc nâng đường cũng là một lựa chọn ưu tiên của các cơ quan nhà nước trong việc chống ngập. Theo thống kê của UBND quận Bình Thạnh, cứ khoảng 4-5 năm thì nhiều hẻm ở địa phương được nâng lên 0,4-0,5 m. Ông Nguyễn Thế Mỹ, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 6, cũng cho biết do cao trình của quận này thấp, lâu nay người dân thường xuyên sống chung với ngập. Do đó, nhiều tuyến đường ở địa phương vừa được nâng lên rất cao, từ 0,6 đến 0,8 m. Tuy nhiên, việc này gây ra thiệt hại cho những căn nhà mặt tiền nằm dọc các tuyến đường này bởi nhà dân “lọt” sâu so với mặt đường nhưng không thể không làm.


Tương tự, ông Võ Văn Tiến, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận Thủ Đức (chủ đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng đường Kha Vạn Cân), cũng cho rằng tuyến đường Kha Vạn Cân có cao trình thấp, thường xuyên bị ngập sâu 50-60 cm nên việc nâng đường này là cần thiết. Mức nâng của tuyến đường này từ 0,8 đến 1 m tùy đoạn cũng là để phù hợp với tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài.


Lãnh đạo phòng quản lý đô thị của một quận cho biết là do Nhà nước chưa xây dựng được cao độ chuẩn, chưa lập được quy hoạch cốt nền dẫn đến tình trạng mỗi nơi một kiểu và người dân thì mù mờ thông tin trong việc xác định cao độ nền nhà cho hợp lý.


Cốt nền… tùm lum!

Nhiều người dân ở mặt tiền, trong hẻm vô cùng bối rối trước việc các trục đường chính được nâng lên quá cao, càng bối rối hơn khi tìm kiếm một “cao độ” chuẩn để xây nhà cho hợp lý.

Như trường hợp ông Q. nêu trong bài, quận Thủ Đức yêu cầu lấy cao độ sân làm chuẩn; nhiều nhà ở quận 6 bị “ràng” cao không quá 30 cm so với vỉa hè đã ổn định; quận 7 thì khuyến cáo người dân nên so sánh “cốt” 2 m trong quy hoạch chống ngập để xây nhà…

Sân không thể là “chuẩn” để căn cứ vào đó để có cao độ nền nhà hợp lý. “Vỉa hè ổn định” được giải thích là vỉa hè đã được thi công, lát gạch xong nhưng cũng không thể là “chuẩn” được. Điển hình: Vỉa hè đường Mai Xuân Thưởng (quận 6) được lát không lâu nhưng tuyến đường cắt ngang là Phạm Văn Chí hay tuyến đường song song là Cao Văn Lầu vừa được nâng khoảng 0,5 m thì rõ ràng “chuẩn” này đã lạc hậu. Còn khuyến cáo lấy “cốt chuẩn 2 m” cũng không ổn. Bởi nhiều nơi nền nhà không thể quá cao (dẫn đến té ngã như ở hẻm 27 đường Âu Dương Lân) và quy định cũng không cho phép bậc tam cấp lố ra vỉa hè, lòng đường.


Theo MInh Phong (Pháp Luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.