22/07/2011 12:38 AM
Mặc dù cơ quan quản lý vẫn quy kết lý do sụt giảm nhanh chóng của thị trường BĐS Hà Nội là bởi chính sách siết chặt tín dụng và bội thực nguồn cung ở một số phân khúc nhà ở chủ chốt, song, đó vẫn dường như chưa phải là câu trả lời xác đáng và đầy đủ.

Bỏ qua dư cung


Không phải ngẫu nhiên mà tổng kết tình hình thị trường căn hộ quý II/2011, đại diện phòng nghiên cứu của hai công ty tư vấn và tiếp thị BĐS có tiếng là CBRE và Savills Việt Nam đều chung nhận định, tình hình kinh tế vĩ mô đã tác động đến thị trường, đặc biệt là việc thắt chặt tiền tệ mới là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự đi xuống của nguồn cầu của Hà Nội, chứ không phải do nguồn cung dư thừa như nhiều người vẫn nghĩ.


Bằng chứng là theo CBRE, ở mảng nhà đất trong các khu đô thị, mặc dù giá chào bán thứ cấp và hoạt động giao dịch đều giảm sút ở hầu hết quận huyện, nhưng một số đợt chào bán lớn tại thị trường trong quý II, trong đó gồm 2 dự án là Vincom Village (quận Long Biên) và Hà Nội Garden City (huyện Gia Lâm) lại trở thành các điểm sáng, cho thấy sự quan tâm không nhỏ của thị trường.


"Thời điểm chào bán của các dự án trên mang lại những câu chuyện thú vị về chiến lược phân kỳ phát triển dự án và chiến lược bán hàng. Trong đó, tiếp xúc các khách hàng cụ thể, nhiều người cho biết muốn bán nhà cửa đang ở để mua và chuyển đến sinh sống tại các dự án kể trên" - ông Nguyễn Bích Sơn, từ bộ phận nghiên cứu thị trường của CBRE, cho biết.


Trao đổi với phóng viênVEF.VN, bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills, cũng nêu quan điểm, tác động của chính sách kinh tế vĩ mô là điều thấy rõ nhất đối với sự suy giảm của thị trường căn hộ để bán.


Trong khi chi phí vốn vay cao quá cao, rất ít dự án tung nguồn cung ra. Còn người mua lúc này cũng rất thận trọng vì lãi suất ngân hàng đang là kênh khá cạnh tranh với việc đầu tư BĐS.


"Về dài hơi thì chưa nói nhưng trong ngắn hạn từ nay đến cuối năm, Chính phủ tiếp tục thắt chặt tiền tệ, bằng lượng tiền như thế, người ta vẫn ưu tiên 'vứt' vào ngân hàng, vì nếu để vào BĐS thì không chắc chủ đầu tư dự án có đảm bảo tiến độ thi công và thời hạn bàn giao hay không và đặc biệt là xu hướng chờ đợi, nghe ngóng giá BĐS giảm" - bà Hằng nhận xét.


Không phải tiền, mà là tâm lý chờ thời


Mặc dù vậy, nguyên nhân siết tín dụng có vẻ chưa nói hết được gốc rễ sụt giảm nguồn cầu của thị trường BĐS Hà Nội. Báo cáo mới nhất của UBND TP về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm cho thấy, tín dụng dành cho BĐS vào khoảng 38.000 tỷ đồng, chiếm 6,9% tổng dư nợ trên địa bàn.


Đây là một tỷ lệ không lớn, nhất là nhìn sơ bộ, dư nợ ở đây tập trung chủ yếu vào dự án của các doanh nghiệp lớn, vay tiêu dùng của cá nhân là không đáng kể. Có nghĩa rằng, siết tín dụng chưa phải là lý do đầy đủ khiến nguồn cầu của Hà Nội tụt dốc.


Ông Tống Văn Nga - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, lý giải, câu chuyện của thị trường BĐS Hà Nội nhìn sâu xa đó là tâm lý chờ đợi, nghe ngóng của người mua. Giờ là lúc họ tranh thủ gửi tiền vào ngân hàng để thu lãi và chờ đợi xem giá còn giảm xuống đến đâu. Vì thế giao dịch chững lại.


Theo quan sát của ông Nga, người dân Hà Nội thường ít vay tiền để mua BĐS. Khó khăn do siết tín dụng chủ yếu thuộc về các chủ đầu tư - đối tượng có nhu cầu vay vốn lớn hơn cả trong khi thanh khoản kém. Còn thị trường TP.HCM thì lại khác - khó khăn thuộc về cả người bán lẫn người mua khi dư nợ tín dụng BĐS khu vực này luôn cao ở mức vài chục %.

Yếu tố tâm lý đang được nhiều doanh nghiệp cho là lý do quan trọng để lý giải sự sụt giảm nguồn cầu tại thị trường Hà Nội.


Nếu như TGĐ Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) - ông Nguyễn Đăng Nam, cho rằng, hiệu ứng kéo theo từ sự suy giảm đóng băng ở phân khúc nhà ở cao cấp dẫn đến sụt giảm ở các phân khúc khác, thì ông Lê Chí Hiếu, TGĐ Thủ Đức House nhìn nhận, nhà đầu tư cá nhân vẫn giữ vốn trong tay để đầu tư một số kênh. Song, do tâm lý hoảng loạn của tình hình khủng hoảng kinh tế, họ đang chần chờ không bỏ tiền vào. Nếu xử lý được vấn đề tâm lý thì họ sẽ quay lại.


Khó hút vốn trong dân


Quả vậy, từ đầu năm 2011, mặc dù các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, ngoại tệ bị thắt chặt quản lý, đã và đang có sự chuyển dịch dòng vốn đến hàng chục nghìn tỷ đồng ra khỏi các kênh đầu tư kể trên, vậy mà, BĐS vốn được kể đến với nhiều triển vọng dài hạn, lại bó tay đứng ngoài việc thu hút các nguồn lực kể trên.


Đó là thực tế có phần nghịch lý mà có lẽ chỉ ở trong khó khăn khủng hoảng thì người ta mới nhìn nhận rõ nhất. Từ cuối quý I/2011, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành chỉ thị 01 về thắt chặt tín dụng phi sản xuất, trong đó gồm BĐS thì câu chuyện thời sự về thiếu vốn và tìm vốn cho thị trường BĐS phát triển ổn định ở mảng sản xuất đã trở nên ngày càng nóng bỏng.


Ngoại trừ tín dụng ngân hàng, các kênh dẫn vốn khác cho BĐS như phát hành trái phiếu, các công cụ tài chính như huy động sự tham gia của các quỹ đầu tư, quỹ tín thác BĐS, quỹ tiết kiệm nhà ở... đến nay vẫn chưa được khơi thông, thì điều được trông đợi nhiều nhất là nguồn vốn dồi dào, mạnh mẽ trong dân.


Dẫn lời một số chuyên gia nước ngoài, ông Nguyễn Văn Minh, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, từng cho rằng, tiền nhàn rỗi, tích trữ mà người dân nắm giữ có thể ở mức 20 tỷ đôla (tương đương 200.000 tỷ đồng VN).


Song, trong khi các kênh đầu tư như ngoại tệ, vàng, chứng khoán bị thắt chặt và lao đao, thì dòng vốn cũng không vào, thậm chí còn thoái lui ở một số phân khúc BĐS.


Niềm tin lên xuống theo tín hiệu lạm phát


Yếu tố niềm tin, mức độ kỳ vọng của đa số những người tham gia thị trường có tác động chi phối đến chiều tăng giảm của một kênh đầu tư. Cơ sở của một tâm lý tốt là những thông tin tốt, triển vọng của thị trường.


Nhưng bất chấp các tán tụng rất sáng sủa trong giai đoạn thị trường đi lên hay rất tiềm năng với các phân tích đầy tích cực về dài hạn trong lúc thị trường lao dốc, thì BĐS Hà Nội vẫn không thể đứng ngoài tác động của kinh tế vĩ mô nói chung và tín hiệu lạm phát nói riêng.


Vì thế, đoán định và đưa ra các kịch bản về diễn biến của thị trường BĐS, nhiều chuyên gia kinh tế như TS. Vũ Đình Ánh, TS. Trần Kim Chung - Viện Nghiên cứu Kinh tế TƯ hay chuyên gia BĐS Đặng Hùng Võ đã không mấy dựa vào các yếu tố nội tại của thị trường này, mà nhìn vào sự tăng trưởng và giảm sút mang tính chu kỳ của nền kinh tế, dấu hiệu, mức độ cải thiện của tình trạng lạm phát, bão giá ở Việt Nam.


Khi lạm phát được đẩy lùi, chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng dần, thị trường lấy lại niềm tin, các chuyên gia tin tưởng chắc chắn rằng BĐS sẽ hồi phục và khởi sắc. Vấn đề là thời điểm nào, sớm hay muộn, còn phụ thuộc vào sự kiên quyết, nhất quán trong thực hiện mục tiêu chính sách của Nhà nước.


Nói về niềm tin và cách tạo lòng tin cho người mua, chuyên gia tài chính, ông Cao Sĩ Kiêm khuyến nghị, có 3 việc cần phải được thực hiện cùng lúc.


Thứ nhất là loại bỏ yếu tố đầu cơ để thị trường đi vào thực chất, để những người thực mua có quyền lợi, không bị lừa gạt. Thứ hai thuộc về trách nhiệm của cơ quan quản lý, đó là tổ chức lại thị trường, môi trường pháp lý, hướng tới cách điều hành, quản lý minh bạch, rõ ràng, nghiêm túc. Thứ ba là sự ổn định của đồng tiền, lạm phát phải thấp xuống.


"Nếu lạm phát cao, thị trường bất ổn thì kể cả có kích thế nào, các kênh đầu tư là chứng khoán, BĐS cũng không thể lên được" - ông Kiêm cho hay.


Tạo dựng lòng tin và niềm tin cho thị trường không phải là việc của một cá nhân hay tổ chức riêng rẽ nào; mà mỗi chủ thể tham gia thị trường, đi đầu là các doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh BĐS phải tự ý thức được việc giữ đúng lời hứa, cam kết và chữ tín về chất lượng công trình, sản phẩm.


Về phía Bộ Xây dựng, ông Vũ Xuân Thiện, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS bật mý, Bộ đã nghiên cứu đề xuất 3 mô hình gồm quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ đầu tư tín thác BĐS và thành lập cơ quan tái thế chấp tài sản BĐS.


Nếu thực hiện được 1 trong 3 mô hình kể trên thì nguồn cung về vốn sẽ rất dồn dào; huy động được tổng lực nguồn vốn xã hội từ mọi ngõ ngách vào BĐS một cách dài hạn. Đây sẽ là cơ sở để chúng ta khắc phục được tình trạng người dân thiếu niềm tin có thể thu lợi từ việc đổ tiền vào BĐS hiện nay.

Theo Nguyễn Nga (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.