Được biết, hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó bao gồm tài liệu quan trọng nói trên, có tổng dung lượng lên tới vài ngàn trang. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự luật này tại phiên họp thứ 11, dự kiến khai mạc vào ngày mai 12-9.
Báo cáo đã tập trung phân tích 8 tồn tại, hạn chế chủ yếu nổi lên trong lĩnh vực này. Đó là việc quy hoạch sử dụng đất chất lượng chưa cao, ít tính khả thi; các quy định của pháp luật chưa làm rõ cơ chế thực hiện các quyền định đoạt của nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu đất đai và chưa giải quyết hài hòa về lợi ích giữa nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất chưa được quy định đầy đủ; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất chưa nghiêm…
Cụ thể, nguồn thu từ đất đai cho ngân sách tăng từ 5.500 tỷ đồng năm 2002 lên 67.000 tỷ đồng năm 2010. Song việc quản lý nhà nước về giá đất chưa theo sát thị trường, bảng công bố giá tại các địa phương chỉ bằng 30% - 60% giá thị trường. Mức giá cao nhất trong bảng giá đất của Hà Nội và TPHCM 81 triệu đồng/m² (cũng là mức tối đa trong khung giá đất của Chính phủ) trong khi giá đất chuyển nhượng thực tế thị trường cao nhất hơn 400 triệu đồng/m², cá biệt có nơi hàng tỷ đồng/m².
Do vậy, khi áp dụng bảng giá đất để tính toán nghĩa vụ tài chính về sử dụng đất đai đã gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Ngược lại, khi dùng để tính toán giá bồi thường người bị thu hồi đất lại không đồng ý, dẫn đến khiếu kiện và ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng. Điều này trở thành nguyên nhân quan trọng khiến gần 70% tổng số vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai.