Bất chấp quy định của pháp luật, những năm gần đây, tình trạng xây dựng không phép diễn ra tràn lan ngày một nhiều ở vùng lõi của Vườn Quốc gia Ba Bể.

Nhiều công trình xây dựng trái phép tại thôn Pắc Ngòi khiến cảnh quan không gian văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày với những ngôi nhà sàn đặc trưng bị phá vỡ.

Danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể nằm trong Vườn Quốc gia Ba Bể, thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, với tổng diện tích quy hoạch bảo tồn là 10.048ha. Trong đó, khu vực bảo vệ I có diện tích là 952,75ha, được xác định là diện tích mặt nước hồ Ba Bể, các yếu tố cảnh quan sinh thái xung quanh bờ hồ và các điểm danh lam thắng cảnh liên quan nằm trong Vườn Quốc gia Ba Bể; khu vực bảo vệ II có diện tích 9.095,25ha, là vùng bao quanh, tiếp giáp với khu vực bảo vệ I.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây di tích này đang bị xâm hại nghiêm trọng. Cảnh quan dần bị phá vỡ bởi tình trạng xây dựng các công trình trái phép.

Tham quan Ba Bể những ngày này ai cũng dễ dàng nhìn thấy một số ngôi nhà bê tông cốt thép xen lẫn những ngôi nhà gỗ, nhà sàn dùng để ở và đón khách du lịch tại thôn Bó Lù xây dựng từ những năm trước chìa ra đến tận mép nước hồ, rác thải, nước thải gần như xả ra hồ, rất phản cảm, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên cần được bảo tồn nghiêm ngặt.

Nhiều công trình vô tư xây dựng ngay sát hồ Ba Bể.

Tại bản Pắc Ngòi, không gian văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày với những ngôi nhà sàn đặc trưng gần hồ Ba Bể, địa chỉ ưa thích của du khách muốn khám phá, trải nghiệm văn hóa bản địa cũng dần bị phá vỡ bởi tình trạng cơi nới, cải tạo nhà ở làm nhà nghỉ.

Nghiêm trọng hơn, ngay tại các điểm du lịch trong vùng lòng hồ như đền An Mạ, Ao Tiên, các công trình hàng quán, lều lán bán hàng nhếch nhác, đã và đang làm phá vỡ cảnh quan và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các điểm di tích này.

Ở thôn Bó Lù (thuộc xã Nam Mẫu), hàng loạt những dãy nhà nghỉ, homestay, hàng quán mọc lên san sát, ngay mép hồ Ba Bể.

Chủ của những công trình xây dựng nói trên không chỉ là người dân địa phương mà có cả những người từ nơi khác đến đầu tư, hợp tác đầu tư.

Không ít ngôi nhà ở đây lấn chiếm, xây dựng trên đất nông nghiệp, đất rừng và đất phục hồi sinh thái của Vườn Quốc gia Ba Bể.

Bê tông hóa đến tận bờ hồ Ba Bể.

Vì là trái phép, theo quy định của pháp luật, đương nhiên những ngôi nhà như thế này sẽ bị phá bỏ. Thế nhưng, trên thực tế, những dãy nhà nghỉ, homestay… đi vào hoạt động, kinh doanh sinh lời đã lâu và đến nay vẫn chưa có trường hợp xây dựng trái phép nào bị cưỡng chế, phá dỡ.

Theo lãnh đạo thuộc Vườn Quốc gia Ba Bể, tình trạng xây dựng trái phép không chỉ phá vỡ cảnh quan, kết cấu không gian khu di tích, mà còn làm ảnh hưởng tới môi trường của Vườn Quốc gia Ba Bể. Đối với những công trình sai phạm trong phạm vi Vườn Quốc gia Ba Bể quản lý, lãnh đạo Vườn đã có văn bản gửi UBND xã, UBND huyện đề nghị xử lý theo đúng quy định.

Trong khi đó, sau khi phát hiện hoặc được báo cáo các trường hợp vi phạm quy định về sử dụng đất, xây dựng nhà không phép, các cơ quan chức năng địa phương đã xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo xử lý vi phạm, nhưng qua một thời gian dài các vi phạm này vẫn chưa được xử lý dứt điểm, tiếp tục tái diễn.

Với tình trạng này, không biết mục tiêu phát triển du lịch Ba Bể trở thành khu du lịch sinh thái tiêu biểu của Việt Nam theo quy hoạch xây dựng tổng thể phát triển du lịch hồ Ba Bể đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đã được phê duyệt có thành hiện thực?

Thái Nguyên Nhân (Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.