Để chuẩn bị thông xe, VEC đã hoàn tất mọi phương án và nguồn nhân lực, thành lập các đơn vị vận hành, bảo trì giám sát, cứu hộ cứu nạn; làm việc với các cơ quan chức năng như cục cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, cứu hộ y tế, các cơ quan chính quyền địa phương có tuyến đường cao tốc đi qua nhằm đảm bảo an toàn tất cả phương tiện lưu thông.
Đặc biệt, chủ đầu tư cho biết sẽ thu phí phương tiện lưu thông trên đoạn đường khai thác tạm này. Trạm thu phí đặt tại Km11 thuộc phường Long Phước (quận 9). Mức phí thấp nhất 2.000 đồng/km đối với ô tô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn và xe buýt; 3.000 đồng/km với xe khách 12-30 chỗ, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn; 4.000 đồng/km cho xe khách trên 30 chỗ, xe tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn.
Theo chủ đầu tư, việc thu phí này đã được Chính phủ và Bộ Giao thông-Vận tải cho phép. Tuy vậy, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn, bởi thực tế toàn bộ tuyến đường đang còn dở dang, phải hơn 2 năm nữa mới hoàn thành. Hơn nữa, chất lượng của tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây chưa biết đến đâu nhưng ấn định mức thu phí như trên là khá cao, cụ thể gấp đôi nếu so sánh với mức phí của cao tốc TPHCM - Trung Lương. Lý giải việc này, đại diện VEC cho rằng do cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây sử dụng vốn vay nước ngoài, còn cao tốc TPHCM - Trung Lương sử dụng vốn ngân sách?
Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây có tổng chiều dài toàn tuyến là 55km, 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100-120km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn I là 20.630 tỷ đồng. Nguồn vốn vay từ OCR của ADB 276,8 triệu USD, vốn vay ODA của JICA 640,3 triệu USD và vốn đối ứng.
Việc đưa vào khai thác tạm thời đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ góp phần giải tỏa áp lực giao thông cho Xa lộ Hà Nội, Tỉnh lộ 25, hoàn thiện hệ thống giao thông trung tâm kinh tế khu vực phía Nam, như các khu công nghiệp Đồng Nai, Bình Dương, Phú Mỹ, cảng Cát Lái... Tuy nhiên, như đã nói ở trên, mức phí quá cao, cùng với đoạn đường cao tốc sắp đưa vào khai thác chỉ 20km, e rằng khó thu hút lượng xe đi trên tuyến cao tốc này.