Đại nạn
Cuối tuần qua ĐTTC tìm đến nhà ông Nguyễn Sỹ Tính, tạm trú tại hẻm 178/16 đường Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1, TPHCM. Căn nhà rộng chừng 30m2, nằm sâu trong hẻm, là tổ ấm của gia đình 3 thế hệ với 10 nhân khẩu.
Ông kể: “Gia đình tôi vốn có nhà cửa khang trang, kinh tế ổn định. Nhưng kể từ ngày Bưu điện TPHCM thu hồi căn nhà, chúng tôi rơi vào cảnh bần cùng hóa. 22 năm chờ Bưu điện TPHCM cấp đất đền bù, vợ tôi kiệt quệ sinh bệnh và đã qua đời”. Được biết, vợ ông Tính là bà Đinh Thị Ninh, công tác trong ngành bưu điện từ năm 1960 và giữ vị trí Bưu cục trưởng Bưu cục Tân Định, thuộc Bưu điện TPHCM.
Gia đình ông Tính đục bức tường chắn lô đất 18 do bức xúc sau 22 năm
chưa được bồi thường. Ảnh: MINH TUẤN
Gia đình ông Tính có căn nhà rộng 300m2 tại số 230 Hai Bà Trưng, phường Tân Định, quận 1 (cạnh Bưu cục Tân Định). Năm 1990, Bưu điện TPHCM có chủ trương thu lại toàn bộ diện tích đất gia đình bà Ninh đang ở để xây dựng Trung tâm Fax và Bưu điện Tân Định.
“Khi sự việc đang trong quá trình thương thảo, UBND quận 1 ra quyết định cưỡng chế thu hồi toàn bộ nhà và đất của gia đình tôi. Hết đường lựa chọn, chúng tôi buộc phải chuyển về sống tạm ở ngôi nhà cấp 4 đường Cô Giang. Lúc đó Bưu điện TPHCM hứa sẽ đền bù căn nhà khác tương xứng với căn nhà đã bị thu hồi. Vậy mà khi trên khu đất của gia đình bị thu hồi đã mọc lên Trung tâm Fax và Bưu điện Tân Định khang trang hiện đại, gia đình tôi vẫn phải chen chúc trong căn nhà chật hẹp, còn lời hứa cấp lại đất của Bưu điện TPHCM nhanh chóng đi vào quên lãng” - ông Tính nói.
Sau hơn 10 năm bị cưỡng chế tại căn nhà số 230 Hai Bà Trưng, gia đình ông Tính gửi đơn kêu cứu khắp nơi. Ngày 1-8-2001, Giám đốc Bưu điện TPHCM khi đó là ông Trần Quang Vinh, ký Quyết định 78/QĐ-NĐ cấp cho bà Đinh Thị Ninh lô đất 80m2 để làm nhà ở trong khu đất dành cho cán bộ công nhân viên ngành bưu điện tại khu C30 (số 270B Lý Thường Kiệt, phường 6, quận Tân Bình).
Điều không may là khi bốc thăm, bà Ninh bốc trúng lô đất thứ 18 có hiện trạng nhà dân đang ở, nên không thể xây cất nhà cửa theo kế hoạch. Trong tổng số 18 lô, hiện có 16 lô đất sạch được các hộ xây dựng nhà 4-5 tầng khang trang, sinh sống và kinh doanh ổn định từ năm 2000 tới nay.
Riêng lô 18 giao cho bà Đinh Thị Ninh và lô 17 kế bên chưa thực hiện giải phóng mặt bằng 100% nên Bưu điện TPHCM chưa bàn giao. “Suốt 13 năm qua (kể từ năm 2001 được cấp lô 18), Bưu điện TPHCM 5 lần 7 lượt hứa sẽ giải phóng mặt bằng và giao đất sạch cho chúng tôi xây nhà. Vậy mà đến nay quyền lợi chúng tôi vẫn chưa được giải quyết” - ông Tính bức xúc.
Đá trách nhiệm
Theo ông Võ Khắc Thành, Phó Giám đốc Bưu điện TPHCM, từ năm 2008, Bưu chính Viễn thông và Bưu điện TPHCM được chia về 2 đơn vị: Viễn thông TPHCM thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Bưu điện TPHCM (thành lập ngày 1-2-2008) trực thuộc Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (nay là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam).
Sau khi chia tách, Bưu điện TPHCM không được giao quyền phụ trách, quản lý khu đất C30 nói trên. Do vậy, Bưu điện TPHCM không đủ thẩm quyền giải quyết quyền lợi cho gia đình bà Ninh.
Vấn đề đặt ra ở đây là trách nhiệm Bưu điện TPHCM ở đâu? Bởi việc chia tách hay sáp nhập ngành là vấn đề nội bộ của ngành Bưu điện cũng như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
Vợ ông Tính nguyên là cán bộ Bưu điện Tân Định, nhân viên của ngành bưu điện, nên ngành này phải có trách nhiệm giải quyết dù phải kết hợp với cơ quan nào khác. Mặt khác, nhà ông Tính do Bưu điện TPHCM cưỡng chế lấy năm 1991 và sử dụng từ đó đến nay, thì không thể đẩy trách nhiệm sang cơ quan khác giải quyết.
Năm nay ông Nguyễn Sỹ Tính đã 85 tuổi, sức khỏe đã giảm sút nhưng nỗi lo làm sao có được sự công bằng để giải quyết chỗ ở cho gia đình 3 thế hệ đang chen chúc trong căn nhà 30m2 vẫn canh cánh trong lòng. Mới đây ông Tính tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên UBND TPHCM, Bưu điện TPHCM, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam... với hy vọng các cơ quan, ban ngành xem xét giải quyết thỏa đáng.
Nhưng một lần nữa, những người có trách nhiệm vẫn phớt lờ, im lặng hoặc đá trách nhiệm như cách trả lời của lãnh đạo Bưu điện TPHCM. Trong tình cảnh này, chiều tối 14-3, gia đình ông Tính bức xúc kéo đến đục bức tường chắn lô đất 18 như một sự cố gắng khẳng định chủ quyền của mình. Ngay lập tức, lãnh đạo UBND phường 6, quận Tân Bình đã tới lập biên bản với lý do đây là đất của Nhà nước.