Nhà siêu mỏng, siêu méo: Hàng trăm “ca khó”
Thống kê cho thấy, trong số 208 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo đang tồn tại thì riêng trên địa bàn quận Ba Đình hiện còn 69 trường hợp nằm ngoài chỉ giới mở đường tồn tại từ trước ngày 15/3/2005 (trước khi có Luật xây dựng). Với những căn nhà này, các hộ dân đã sử dụng trong thời gian dài, ổn định và hiện đang là nơi ở, kinh doanh của họ.
Tiếp theo là quận Hà Đông với 34 trường hợp còn tồn đọng đang chờ Thành phố xem xét bố trí vốn ngân sách để chuẩn bị đầu tư xử lý đối với các trường hợp nhà đất siêu mỏng siêu méo.
Trong khi đó, quận Đống Đa cũng còn tồn 28 trường hợp; quận Hai Bà Trưng còn 19 trường hợp, bao gồm 11 trường hợp đang thỏa thuận hợp khối nhưng cũng là những hộ đã sinh sống và kinh doanh từ lâu nên việc thỏa thuận sẽ không đơn giản. Quận Tây Hồ hiện cũng còn 23 trường hợp, đều là các công trình cấp 4 đã được lên phương án thu hồi nhưng việc thu hồi đất gặp rất nhiều khó khăn nên đang được đề xuất là không thu hồi nữa mà chuyển sang hình thức cải tạo chỉnh trang thành những ki ốt 1 tầng.
Các quận còn lại: Cầu Giấy có 9 trường hợp; Thanh Xuân có 9 trường hợp; Hoàng Mai 10 trường hợp; Hoài Đức 7 trường hợp (trong đó có 4 trường hợp đã lên phương án hợp thửa, hợp khối nhưng hiện nay các hộ vẫn chưa có sự thống nhất).
Thành phố vẫn đang tiếp tục loay hoay mà chưa thực sự có một phương án nào khả thi để giải quyết dứt điểm - ảnh minh họa
Hợp thửa, hợp khối không còn là “cứu cánh”
Việc hợp thửa, hợp khối nhà ban đầu tưởng như là một “cứu cánh” cho việc giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo của Hà Nội, tuy nhiên, qua thực tế triển khai đã bộc lộ nhiều bất cập. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Đức Học, việc người dân tự thỏa thuận hợp thửa, hợp khối là rất khó khăn do nhiều trường hợp đều nằm trên các trục đường thuận lợi cho thương mại, dịch vụ, có giá trị chuyển nhượng cao theo giá trị trường. Một số trường hợp khác khó khăn do các hộ dân đã sinh sống và kinh doanh nhiều năm.
Ngoài ra, việc áp dụng chính sách cơ chế thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng cũng không được các hộ dân đồng thuận, một số trường hợp khác thì khi thu hồi đất lại vướng cơ chế tài chính như giá thuê, thời gian thuê, thủ tục đấu thầu... làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Đức Học cũng đưa ra một loạt nguyên nhân khác khiến việc giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo của Hà Nội vẫn “bùng nhùng”, đó là, mặc dù hệ thống chính trị của các quận, huyện đã tham gia thực hiện xử lý nhà, đất siêu mỏng, siêu méo nhưng “chưa thực sự quyết liệt”; các cấp chính quyền còn chậm và lúng túng trong việc giải quyết tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo...
“Ngay từ đầu, việc lập tiến độ các bước xử lý chưa cụ thể hoặc nếu có tiến độ cũng không thực hiện được. Do vậy, đến nay trong báo cáo của một số quận, huyện cũng không có tiến độ xử lý cụ thể” – ông Học dẫn chứng.
Thêm vào đó, ngoài việc ban hành vẫn còn chậm các văn bản thì còn một khó khăn rất “hóc búa”, đó là việc giải quyết các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo, dù là diện tích rất nhỏ thì theo quy định hện hành vẫn phải thực hiện lập dự án đầu tư xây dựng, thu hồi đất theo Luật Đất đai với nhiều thủ tục rườm rà. Điều này cũng làm chậm thêm tiến độ xử lý.
Điều đáng nói là, mặc dù biết tất cả những khó khăn cũng như các nguyên nhân khách quan, chủ quan như đã nói ở trên, nhưng cho đến nay, Sở Xây dựng cũng chưa đưa ra được một cơ chế, biện pháp mới nào cụ thể, phù hợp với thực tế để giải quyết những vướng mắc cũng như đẩy nhanh tiến độ xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo. Chính vì vậy, Ủy ban nhân dân Thành phố lại vừa phải yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các quận, huyện nghiên cứu khó khăn, thống nhất cơ chế, biện pháp tháo gỡ... để đẩy nhanh tiến độ xử lý.
Như vậy, có thể nói, cho đến nay, Hà Nội vẫn đang tiếp tục loay hoay mà chưa thực sự có một phương án nào được cho là khả thi để giải quyết dứt điểm tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo đang tồn tại làm ảnh hưởng đến bộ mặt của Thủ đô.