07/11/2012 3:53 PM
“Về công tác giải quyết khiếu kiện, tố cáo có nơi thiếu trách nhiệm dẫn đến tụ tập đông người, chống người thi hành công vụ mà điển hình nhất là vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng làm cho tình hình xã hội thiếu ổn định”, đại biểu Ngô Văn Hùng nói.
Sáng nay, 7/11, kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIII tiếp tục với phần trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai của Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu (Ảnh: Trần Hải).

Sau phần trình bày Báo cáo, nhiều đại biểu bày tỏ ý kiến, các văn bản trong lĩnh vực đất đai cần nhanh chóng phải sửa đổi là vì còn thiếu hợp lý và chồng chéo.

Theo Thanh tra Chính phủ, từ năm 2003 - 2010 các cơ quan liên quan đã tiếp nhận và xử lý hơn 1,2 triệu đơn khiếu nại, tố cáo, trong đó, bình quân mỗi năm có 69,79% số đơn từ liên quan đến đất đai. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt 84%... Tỷ lệ khởi kiện đúng và đúng một phần tại Tòa án nhân dân các cấp chiếm 19,5% các vụ được đưa ra xét xử.

Trong quản lý đất đai, nội dung khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính chủ yếu tập trung ở 3 nội dung, gồm khiếu nại các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm 70%; khiếu nại các quyết định hành chính về giao đất, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chiếm 20%; khiếu nại các quyết định hành chính về cấp, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm 10%.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn ĐB tỉnh Kiên Giang) cho rằng việc ban hành nhiều văn bản pháp luật nhất là các văn bản hướng dẫn thực thi các điều luật liên quan đến đất đai không thống nhất tạo ra sự khập khiễng, chồng chéo, thiếu đồng bộ làm cho việc thực hiện vô cùng khó khăn. Cụ thể, đại biểu này đưa ra dẫn chứng, quy định về hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi bị thu hồi đất đã dẫn chiếu tới 5 văn bản quy phạm pháp luật khác, trong đó có văn bản đã hết hiệu lực.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Đoàn ĐB tỉnh Quảng Ngãi) đề nghị nâng cao dần giá trị của đất nông nghiệp. Theo đại biểu này, để làm tốt công tác định giá theo thị trường thì từng bước hoàn thiện thị trường bất động sản gắn với thị trường quyền sử dụng đất. Không nên quá mở rộng quyền hạn của nhà nước trong việc thu hồi đất. Tránh việc lạm dụng quyền giao, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và đặc biệt là thu hồi đất.

Về giá đất bồi thường, đại biểu Phạm Hồng Phong (Đoàn ĐB tỉnh Hậu Giang) đề nghị thực hiện cơ chế 1 giá và trong quá trình bồi thường giá sát với giá thị trường.

Liên quan đến việc một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý lĩnh vực đất đai yếu, luôn mang thái độ bàng quan, vô cảm trước bức xúc của nhân dân, ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đề nghị có chế tài xử lý nghiêm khắc những hành vi sách nhiễu người dân; truy cứu trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra sai phạm. Cùng chung nỗi lo lắng này, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) tỏ ra không hài lòng với nhận định chung chung kiểu “một bộ phận không nhỏ” cán bộ có vấn đề về trình độ, phẩm chất, đạo đức.

Ông đề nghị quy định rõ trách nhiệm hành chính, trách nhiệm bồi thường thiệt hại và cả trách nhiệm hình sự đối với những cán bộ yếu kém, cố ý làm sai pháp luật, vô cảm trước bức xúc, bất công và khó khăn của dân. Dẫn nguồn tin về sự vô cảm, thiếu trách nhiệm của cán bộ công quyền, ĐB Nguyễn Thái Học nói: “Việc Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trực tiếp giải quyết hai vụ khiếu nại lâu năm, kết quả là người khiếu nại hứa rút lại đơn kiện đã gửi ra tòa và chia sẻ 20 phút gặp Bí thư Thành ủy có tác dụng như 20 năm chạy vạy khiếu kiện khắp nơi. Cho thấy tinh thần và trách nhiệm công tác tiếp dân, giải quyết sớm khiếu nại từ cơ sở có ý nghĩa hết sức quan trọng”.

"Do thiếu trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu kiện, tố cáo mà dẫn đến tụ tập đông người, chống người thi hành công vụ mà điển hình nhất là vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng" (Ảnh: Thảo Lăng)

Trong công tác ban hành văn bản quy phạm về đất đai và khiếu nại tố cáo, đại biểu Ngô Văn Hùng (Đoàn ĐB tỉnh Lào Cai) cho rằng còn nhiều tồn tại, hạn chế như ban hành chưa kịp thời, chồng chéo gây khó khăn trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến đất đai như các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính với cơ quan tư pháp.

Theo đại biểu Ngô Văn Hùng, tính sơ hở của các văn bản pháp luật đã dẫn đến sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan về trách nhiệm xử lý giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo làm tăng bức xúc của người dân và có một số biến thành những vụ lớn.
Số đông cán bộ liên quan đến quản lý giải quyết đất đai tham nhũng, tiêu cực. Về công tác giải quyết khiếu kiện, tố cáo có nơi thiếu trách nhiệm dẫn đến tụ tập đông người, chống người thi hành công vụ mà điển hình nhất là vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng làm cho tình hình xã hội tại địa phương thiếu ổn định.

“Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do đánh giá đất thấp hơn với giá thị trường, thiếu tính công bằng trong thu hồi đất, có nơi mang tính áp đặt, không tôn trọng nguồn gốc lịch sử gây mâu thuẫn. Bố trí tái định cư có nơi không bằng trước theo quy định của pháp luật.

Đất thu hồi sử dụng không đúng mục đích. Thu hồi để làm dự án với giá rất rẻ nhưng quay lại bán cho người dân với giá cao ngất ngưởng chiếm lợi, bỏ hoang hóa lãng phí đất đai trong khi đó người dân thì không có đất sản xuất, canh tác”, đại biểu Ngô Văn Hùng nói.
Theo PV (GDVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.