Xin hỏi, trường hợp nào chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan chức năng? Thủ tục thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép thế nào?

Hình minh họa

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT ban hành ngày 30/6/2021, các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động, bao gồm:

– Chuyển đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác gồm: đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt; đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm;

– Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất nuôi trồng thủy sản sang trồng cây lâu năm;

– Chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây hàng năm;

– Chuyển đất ở sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở;

– Chuyển đất thương mại, dịch vụ sang các loại đất khác thuộc đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp sang đất xây dựng công trình sự nghiệp.

Như vậy, chỉ trong những trường hợp trên thì người sử dụng đất mới được quyền chuyển mục đích sử dụng đất mà không phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tuy không phải xin phép nhưng vẫn phải đăng ký biến động.

Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 11 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 27/01/2015 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Nghị định số 44/2014/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 15/5/2014 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai thì trình tự, thủ tục đăng ký biến động đối với những trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động như sau:

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ đăng ký biến động đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động bao gồm:

– Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK ban hành kèm Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT;

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận).

Bước 2. Nộp hồ sơ

Người sử dụng đất nộp hồ sơ tại nơi tiếp nhận hồ sơ.

Theo quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai thì có thể nộp hồ sơ tại:

Cách 1: Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có nhu cầu nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã phải chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai.

Cách 2: Nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai. Trong đó:

– Nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;

– Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Địa phương đã tổ chức bộ phận một cửa để thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính theo quy định của Chính phủ thì các cơ quan quy định trên thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thông qua bộ phận một cửa theo Quyết định của UBND cấp tỉnh.

Nếu hồ sơ đầy đủ thì cơ quan tiếp nhận nhận hồ sơ và cấp Biên nhận cho người nộp hồ sơ, biên nhận phải ghi đầy đủ các thông tin theo mẫu quy định; Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì cơ quan tiếp nhận giải thích, hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

Trường hợp tiếp nhận hồ sơ nhưng chưa hợp lệ thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

Bước 3. Tiếp nhận và giải quyết

Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; xác minh thực địa trong trường hợp cần thiết; xác nhận vào Đơn đăng ký; xác nhận mục đích sử dụng đất vào Giấy chứng nhận; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai (nếu có).

Thời hạn giải quyết: Không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (không tính thời thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định).

Bước 4. Trao kết quả

Kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải trả cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả giải quyết.

Trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi UBND cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết thì cơ quan nhận hồ sơ có trách nhiệm trả lại hồ sơ và thông báo rõ lý do không đủ điều kiện giải quyết.

Nghĩa vụ tài chính

Lệ phí chứng nhận đăng ký biến động đất đai căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của địa phương để quy định mức thu lệ phí phù hợp.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép nhưng phải đăng ký biến động, bạn đọc có thể tham khảo.

Phương Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Thẩm quyền quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất

    Thẩm quyền quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất

    Tôi có 1.169m2 đất, đã được UBND TP phê duyệt quy hoạch đất ở nông thôn cho toàn bộ diện tích. Tôi lập hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở theo đúng quy hoạch cho thửa đất này. ...

  • Điều kiện được chuyển mục đích sử dụng đất

    Điều kiện được chuyển mục đích sử dụng đất

    Tôi làm thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở (trước đó tôi đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm một phần đất ở và phần còn lại là đất trồng cây lâu năm)....

  • Khi nào được chuyển mục đích sử dụng đất?

    Khi nào được chuyển mục đích sử dụng đất?

    Năm 2018, tôi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng 400m2 đất ở và 500m2 đất trồng cây lâu năm. Tháng 3/2019, tôi được UBND thành phố cho phép chuyển mục đích sử dụng 500m2 sang đất ở.

Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.