20/10/2020 8:27 AM
CafeLand – Mặc dù đã có quy định và chế tài xử phạt rõ ràng về việc cấp giấy chủ quyền nhà, hay còn gọi là sổ hồng, nhưng không ít chủ đầu tư vẫn “chây ì” trong việc cấp sổ hồng cho cư dân.

Gần 30.000 căn hộ bị chậm cấp sổ hồng

Theo một báo cáo mới đây của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), có 53 dự án của 12 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đang bị chậm cấp sổ hồng cho cư dân với gần 30.000 căn hộ.

Trong số đó có 25.631 căn nhà (chủ yếu là căn hộ chung cư) và 2.693 căn hộ officetel. Số liệu này nằm trong tổng số 490 dự án nhà ở được phê duyệt trong các năm 2015-2019, chưa bao gồm các dự án đã triển khai trước năm 2015.

Nếu thống kê đầy đủ số liệu của hàng trăm dự án đã bàn giao nhà cho khách hàng nhưng chưa được tính tiền sử dụng đất, thì số lượng căn nhà bị chậm cấp sổ hồng còn lớn hơn nhiều lần.

Trên thực tế, tình trạng chậm cấp sổ hồng chung cư xảy ra khá phổ biến. Nhiều cư dân dọn về chung cư ở đã lâu, nhưng chờ mãi vẫn chưa được bàn giao giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ.

Việc không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp gây tâm lý hoang mang, bất an cho cư dân. Đã có không ít trường hợp người mua nhà khiếu kiện gay gắt, phát sinh tụ tập đông người, căng băng rôn, biểu ngữ, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Phạt tiền tỉ khi chậm cấp sổ

Theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP (có hiệu lực từ 5/1/2020) về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, tính từ ngày bàn giao nhà ở, đất cho người mua, hoặc kể từ thời điểm người mua đã thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận mà chủ đầu tư chậm làm sổ hồng cho cư dân sẽ bị phạt hành chính.

Theo đó, chủ đầu tư nào chậm bàn giao sổ hồng cho người mua nhà từ sau 50 ngày đến 6 tháng sẽ bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng; chậm từ 6-9 tháng sẽ bị phạt từ 30-300 triệu đồng; chậm từ 9-12 tháng sẽ bị phạt từ 50-500 triệu đồng; chậm từ một năm trở lên sẽ bị phạt từ 100 triệu đến 1 tỉ đồng.

Do vậy, nếu gặp trường hợp chủ đầu tư chậm làm giấy chủ quyền gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, người mua nhà có thể yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng thực hiện thủ tục hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm nói trên.

Phải làm gì khi chủ đầu tư chậm cấp sổ hồng?

Theo Điều 26 Luật Nhà ở 2014 và khoản 4 Điều 13 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà ở cho người mua, chủ đầu tư phải làm thủ tục đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cho người mua, trừ trường hợp người mua tự nguyện thực hiện.

Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi chủ đầu tư chậm cấp sổ hồng, người mua căn hộ có thể tổ chức cuộc gặp trực tiếp với chủ đầu tư để trao đổi và đề nghị hoàn tất giao sổ cho người mua căn hộ.

Trong trường hợp chủ đầu tư tiếp tục vi phạm nghĩa vụ, người mua căn hộ có thể làm đơn kiến nghị với thanh tra xây dựng hoặc UBND cấp có thẩm quyền để can thiệp.

Nếu trong hợp đồng có điều khoản phạt vi phạm khi chậm thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận hoặc người mua có thiệt hại do hành vi chậm thực hiện thì yêu cầu chủ đầu tư thực hiện theo điều khoản đã thỏa thuận hoặc khởi kiện.

Trường hợp người mua tự thực hiện thủ tục cấp sổ hồng, theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, cấp Giấy chứng nhận cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức đầu tư xây dựng thì không quá 15 ngày.

Ngoài ra, khi nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận, cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ ghi rõ hạn trả kết quả. Nếu quá thời hạn mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa giải quyết thì người dân được quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Bảy nguyên nhân chậm giao sổ hồng chung cư

1. Chủ đầu tư xin cấp Giấy chứng nhận nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

2. Chủ đầu tư thế chấp tài sản tại ngân hàng trước khi xin cấp Giấy chứng nhận cho người mua căn hộ và chưa giải chấp.

Theo quy định pháp luật về nhà ở và đất đai, chủ sở hữu nhà ở chỉ được cấp Giấy chứng nhận khi cung cấp được Giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp nhà ở và quyền sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, khi thế chấp tài sản thì chủ đầu tư đã giao những giấy tờ này cho ngân hàng nắm giữ. Do đó không đủ hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận.

3. Chủ đầu tư chậm hoàn công hoặc không thể hoàn công do xây dựng không đúng bản vẽ thiết kế đã được phê duyệt.

4. Xây dựng lấn chiếm mốc bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật theo Điều 35 Nghị Định 43/2014/NĐ-CP quy định trường hợp này không được cấp Giấy chứng nhận.

5. Đất xây dựng chung cư được chuyển mục đích sử dụng đất trái phép theo Điều 35 Nghị Định 43/2014/NĐ-CP quy định trường hợp này không được cấp Giấy chứng nhận.

6. Chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục pháp lý nhưng đã cho xây dựng và bán nhà ở. Theo quy định pháp luật xây dựng, việc xây dựng nhà ở khi chưa thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý là không hợp pháp. Khoản 1 Điều 6 Nghị Định 99/2015/NĐ-CP quy định chỉ cấp Giấy chứng nhận cho nhà ở được tạo lập hợp pháp.

7. Chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận.

(Luật sư Nguyễn Thanh Hiền – Công ty Luật TNHH ATIM)

Chủ đề: Sổ hồng chung cư
  • Sổ hồng chung cư: Món nợ khó đòi

    Sổ hồng chung cư: Món nợ khó đòi

    CafeLand – Bỏ ra hàng tỉ đồng để mua căn hộ, nhưng rất nhiều cư dân luôn trong tâm trạng như đang ở trọ, không thể giao dịch mua bán, thế chấp ngân hàng để vay vốn làm ăn bởi chủ đầu tư không chịu bàn giao giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ hồng) dù dự án đã bàn giao nhà cho cư dân nhiều năm.

Châu An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.