07/09/2020 9:16 AM
CafeLand - Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên nhiều công ty bất động sản đã rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, buộc lòng phải đi đến con đường phá sản.

Khi Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với một công ty bất động sản thì nhiều khách hàng (người cho vay, người mua dự án nhà đất đã đóng một phần hoặc toàn bộ tiền nhưng chưa nhận được nhà đất…) của công ty bất động sản rất lo lắng về số phận của lượng tiền mà mình đã bỏ ra. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra, như là khách hàng có bị mất trắng số tiền đó hay không? Làm sao để đòi lại số tiền đó?...

Nhằm giải đáp những thắc mắc trên, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh đã có một số chia sẻ như sau:

Thứ nhất, chủ nợ của công ty bất động sản bị phá sản có thể không bị mất trắng khoản tiền mà mình đã bỏ ra, nếu sau khi xử lý các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản bảo đảm; chi phí phá sản; khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết; khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của công ty mà công ty vẫn còn tài sản.

Cụ thể, theo điểm d khoản 1 Điều 54 Luật Phá sản năm 2014, sau khi thanh toán các khoản nêu trên mà công ty còn tiền thì phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Do đó, việc khách hàng có bị mất trắng khoản tiền mà mình bỏ ra hay không, hoặc được nhận lại bao nhiêu là phụ thuộc vào tình hình tài chính của từng công ty bị phá sản.

Thứ hai, một khi Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với một công ty bất động sản thì khách hàng cần phải thực hiện ngay quyền của chủ nợ để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho mình, đó là quyền đòi nợ.

Cụ thể, theo Điều 66 Luật Phá sản năm 2014, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản, chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Giấy đòi nợ phải có các nội dung sau:

- Tên, địa chỉ, quốc tịch, căn cước của chủ nợ hoặc đại diện chủ nợ.

- Tổng số nợ phải trả, bao gồm khoản nợ, số nợ đến hạn và khoản tiền lãi đến hạn nhưng chưa thanh toán; số nợ chưa đến hạn; số nợ có bảo đảm và phương thức bảo đảm; số nợ không có bảo đảm mà công ty phải trả; khoản tiền bồi thường theo hợp đồng (nếu có).

Đồng thời, kèm theo giấy đòi nợ là tài liệu, chứng cứ chứng minh về khoản nợ đó. Giấy đòi nợ phải do chủ nợ hoặc người đại diện hợp pháp của chủ nợ ký tên.

Lưu ý, nếu quá thời hạn nêu trên mà khách hàng không thực hiện quyền đòi nợ thì coi như từ bỏ quyền đòi nợ; trừ trường hợp bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan không tính vào thời hạn quy định nêu trên.

  • 620 doanh nghiệp bất động sản phá sản

    620 doanh nghiệp bất động sản phá sản

    CafeLand – Trong 8 tháng đầu năm 2020, lĩnh vực bất động sản nằm trong nhóm có số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể cao nhất với 620 doanh nghiệp.

Thổ Kim
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.