04/01/2018 8:23 AM
Câu hỏi của bạn đọc CafeLand có nội dung:
Trước lúc qua đời, bà ngoại có cho mẹ tôi toàn bộ đất đai nhà cửa và đã được sự chấp thuận từ các anh chị em của mẹ tôi (bảo đảm không tranh chấp và sẵn sàng xác nhận cho mẹ tôi).
Hiện tại trên mảnh đất này ngoài nhà của mẹ tôi còn có 5 căn khác của các con của dì, cậu tôi (đã được sự đồng ý chấp thuận của ngoại khi còn sống và hiện chưa tách sổ riêng). Trên giấy tờ vẫn đứng tên bà ngoại tôi nhưng hiện tại giấy tờ đã bị mất.
Luật sư cho hỏi, mẹ tôi muốn chuyển quyền sử dụng sang tên mẹ tôi thì có được không? Nếu được thì hồ sơ thủ tục như thế nào? Mong luật sư tư vấn giúp. Xin cảm ơn.
thanhtienvns@...
Trả lời:
Chào Anh/Chị, nội dung mà Anh/Chị cung cấp không đầy đủ do đó chúng tôi không thể hiểu chính xác bản chất sự việc Anh/Chị cần tư vấn. Nhưng chúng tôi tạm hiểu như sau:
Mẹ Anh/Chị cùng 5 cậu, dì khác của Anh/Chị đã cất nhà và đang sinh sống trên thửa đất mà bà ngoại của Anh/Chị tạo lập lúc còn sống, thửa đất này đã được cấp Giấy chứng nhận theo quy định và do bà ngoại Anh/Chị đứng tên, nhưng hiện tại đã thất lạc bản chính. Trước đây, bà ngoại có cho mẹ Anh/Chị toàn bộ thửa đất và được sự thống nhất các cậu, dì của Anh/Chị. Nay Anh/Chị muốn tư vấn để mẹ Anh/Chị đứng tên trên Giấy chứng nhận và thủ tục thực hiện.
Như nội dung trên, chúng tôi tạm chia ra các trường hợp như sau:
Thứ nhất, khi còn sống bà ngoại Anh/Chị chỉ nói về việc cho mẹ Anh/Chị thửa đất mà không lập giấy tờ hoặc có lập nhưng không chứng thực, xác nhận ý chí hoặc không thỏa các điều kiện theo quy định để xác nhận ý chí về tặng cho tài sản. Trường hợp này, mẹ Anh/Chị cần có sự thống nhất của các cậu, dì Anh/Chị với nội dung giao toàn bộ đất đai nhà cửa cho mẹ Anh/Chị khi khai nhận di sản thừa kế từ bà ngoại Anh/Chị.
Thủ tục khai nhận di sản thừa kế được thực hiện tại tổ chức Công chứng có thẩm quyền, hồ sơ gồm giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản khai nhận, giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân giữa người khai nhận và người để lại di sản và các văn bản khác tùy trường hợp cụ thể. Sau khi hoàn tất khai nhận, mẹ Anh/Chị cần chuyển hồ sơ đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại địa phương để được cập nhật nội dung khai nhận di sản.
Thứ hai, ngược lại nếu lúc còn sống bà ngoại Anh/Chị đã lập văn bản tặng cho mẹ Anh/Chị toàn bộ đất đai và văn bản được công chứng, chứng thực theo quy định nhưng vì lý do nào đó mà vẫn chưa sang tên mẹ Anh/Chị, thì mẹ Anh/Chị có thể nộp hồ sơ đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại địa phương để được cập nhận nội dung tặng cho tài sản cho mẹ Anh/Chị.
Hồ sơ bao gồm giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản, văn bản tặng cho và các tài liệu khác tùy trường hợp cụ thể.
Tuy nhiên, việc sang tên mẹ Anh/Chị có thể gặp sự phản đối từ cậu, dì của Anh/Chị nên việc sang tên cho mẹ Anh/Chị có thể phát sinh thêm nhiều thủ tục và thời gian. Anh/Chị cần được tư vấn chi tiết hơn để đảm bảo kết quả tốt nhất.
CafeLand kết hợp Công ty luật hợp danh Thiên Thanh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.