Thời gian 15 năm sinh sống và làm việc ở Việt Nam đã khiến phần Việt Nam trong con người của Herb Cochran ngày càng tràn đầy…

Nhịp cầu không mỏi

Nhiều nhân viên, đối tác, người quen của Herb Cochran gọi ông là con người của công việc. Dường như lúc nào cũng thấy ông miệt mài, say mê trong công việc. Ngay cả người vợ Việt Nam xinh đẹp cũng có lúc phàn nàn rằng, ông “mê laptop hơn mê vợ”.

Tuy vậy, bản thân Herb Cochran không coi đó là những công việc đơn thuần. 15 năm ở Việt Nam với ông là một quãng thời gian đầy ý nghĩa, nhất là khi ông được chứng kiến những bước tiến quan trọng trong tiến trình đàm phán Việt Nam và Hoa Kỳ, từ trước khi BTA – Hiệp định Thương mại song phương được ký vào năm 2001, tới những kết quả hiện tại đầy khích lệ trong quan hệ thương mại – đầu tư hai nước.

Ông nhớ lại, lúc đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào Hoa Kỳ mới chỉ có khoảng hơn 49 triệu USD, đến giờ đã hơn 7 tỷ USD/năm. Năm 2011, đã có 7,2 tỷ USD hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ, chiếm 42% kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ và chiếm 55% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam ra thế giới…

Thực ra, ông không muốn nói nhiều về vị trí của mình trong tiến trình này, bởi theo ông, đó là việc cần phải làm khi nhìn thấy tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam năng động và đầy sức sống. Cũng rất khó để viết ra được bằng câu chữ về mong muốn, thậm chí là khát vọng cống hiến vào tương lai của Việt Nam mà ông chia sẻ, song như câu chuyện phim nổi tiếng – Back to the future (Trở về tương lai) của Hollywood mà ông yêu thích, sự hấp dẫn của Việt Nam đã kéo những tấm lòng về gần với nhau hơn...

Trong một lần nói chuyện về Herb Cochran, ông Phạm Gia Hưng, nguyên Trưởng đại diện Văn phòng Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) tại TP.HCM cũng đã nhắc tới ông như một “cross - culture catalyst” (chất xúc tác xuyên văn hoá) cho các hoạt động thương mại và đầu tư Hoa Kỳ - Việt Nam. Ông Hưng kể: “Giai đoạn bốn năm trời đằng đẵng đàm phán BTA Việt Nam – Hoa Kỳ, dệt may là mặt hàng chủ chốt và cũng là mặt hàng nhạy cảm trong thương mại hai nước vì bị áp đặt quota nhập khẩu từ Hoa Kỳ, với thuế suất thuế nhập khẩu cao (45-90%). Herb đã chủ động giới thiệu vị nữ luật sư tài giỏi – Brenda Jacobs tham gia tư vấn đoàn đàm phán Việt Nam”. Theo ý kiến cá nhân ông Hưng, trong việc đàm phán thành công cho ngành hàng dệt may Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ với thuế suất ưu đãi (hiện nay là 7-15%), Herb Cochran đã đóng góp một phần không nhỏ trong hậu trường.

Có lẽ gọi Herb Cochran là “chất kết dính” cũng không sai. Chính ông đã liên kết được hoạt động của nhiều tổ chức và cá nhân cùng thúc đẩy thương mại và đầu tư Hoa Kỳ - Việt Nam trong suốt thời gian qua. Nhiều người vẫn còn nhớ, thời gian đầu khi Việt Nam bắt đầu chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thông tin về Việt Nam còn quá mờ nhạt trên thị trường thế giới. Nhiều nhà đầu tư quốc tế, trong đó có các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ, vẫn giữ mối e ngại về một nền kinh tế mới bắt đầu mở cửa với thị trường thế giới. Herb Cochran đã cùng cộng sự thúc đẩy thông tin, hiểu biết của các doanh nghiệp Hoa Kỳ về môi trường kinh doanh, pháp luật đầu tư và cả những cơ hội, những lĩnh vực họ có thể đầu tư tại Việt Nam. Cùng với ông, Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) đã nỗ lực nghiên cứu, đưa ra nhiều đề xuất với Chính phủ Việt Nam với mong muốn cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh tốt hơn. Những chuyến làm việc networking giữa các cơ quan của Việt Nam với các nhà đầu tư Mỹ được AmCham Vietnam tổ chức. Nhiều nhà đầu tư đã tìm đến Việt Nam sau những chuyến đi này. Đó là Jabil Vietnam đầu tư 70 triệu USD để xây nhà máy mới ở SHTP (Khu Công nghệ cao TP.HCM). Rồi Tập đoàn Intel với nhà máy hơn 1 tỷ USD. HoneyWell đã mở văn phòng tại TP.HCM và ký hợp đồng lọc dầu với Petro Vietnam Refinery…

Khi trả lời câu hỏi động lực nào để ông duy trì niềm đam mê với công việc khó khăn và nhiều thách thức tại Việt Nam lâu bền đến vậy, ông thẳng thắn rằng, ông nhìn thấy tiềm năng phát triển của Việt Nam, như đã từng nhìn thấy một Nhật Bản phát triển thần kỳ trong những năm 1970, thời gian ông công tác ở Osaka, Nhật Bản. “Lúc đó, Nhật Bản mới có một toà nhà cao hơn 30 tầng, đang Hoa Kỳ áp đặt mức quota xuất khẩu. Vậy mà giờ đây, Nhật Bản đã trở thành nền kinh tế đứng thứ ba thế giới. Tôi đã góp một phần trong đề xuất cần coi trọng cơ sở hạ tầng trong chiến lược thu hút sự tham gia của đối tác, doanh nghiệp nước ngoài. Tôi hy vọng, những ý kiến, đóng góp của mình và cộng sự tại Việt Nam được thực thi, để đạt được khát khao góp một bàn tay vào tương lai Việt Nam giàu mạnh”, ông chia sẻ.

Trăn trở Việt Nam

Herb Cochran tâm sự, ông sống ở Việt Nam lâu nhất trong số các nước châu Á mà ông đã từng qua như Nhật Bản (những năm 1980), Thái Lan (những năm 1990). Ông cảm thấy thoải mái khi đến Việt Nam, hay đúng hơn là “trở lại” Việt Nam, vì đã từng sống ở Cần Thơ trước năm 1975. Hơn thế, ông đang có một gia đình ở Việt Nam.

Có lẽ bởi vậy, mà nhiều người, trong đó có bà Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM, luôn tìm thấy sự thân thuộc, thậm chí cả tinh thần Việt Nam trong con người sinh ra và lớn lên ở Bắc Carolina (Hoa Kỳ), đam mê và ham?đối đầu với những thách thức mới về công nghệ...

Ông thuộc nằm lòng những giai đoạn, những sự kiện trong tiến trình đàm phán BTA Việt Nam và Hoa Kỳ. Cũng phải trực tiếp nghe ông phân kỳ các dấu mốc mới thấy hết được tình cảm của ông với Việt Nam, với những nỗ lực cho sự cải thiện quan hệ thương mại - đầu tư hai nước.

Herb Cochran gọi giai đoạn thứ nhất là “tiền BTA”, tính từ tháng 7/1995 đến 12/2001, sau khi các mối quan hệ được bình thường hóa tháng 7/1995, BTA được thương thảo và có hiệu lực vào tháng 12/2001. Lúc này, đầu tư Hoa Kỳ vào Việt Nam chủ yếu đến từ các công ty hàng tiêu dùng nhanh. Giai đoạn thứ hai - “hậu BTA, tiền WTO”, từ tháng 1/2002 đến tháng 1/2007, khi Việt Nam trở thành thành viên WTO. Các đầu tư liên quan đến Hoa Kỳ trong giai đoạn này thường từ “các công ty đối tác” của họ, tức các công ty Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông. Họ chuyển sản xuất từ Indonesia và Mỹ La tinh tới Việt Nam nhằm cung cấp hàng hóa có thương hiệu cho hàng ngàn chuỗi cửa hàng bán lẻ ở Hoa Kỳ. Khi BTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu vào Mỹ của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam giảm từ mức trung bình 45% xuống còn 3%, làm cho hàng hóa Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn. Nhập khẩu vào Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ, từ 1 tỷ USD năm 2001 đến 8,57 tỷ USD năm 2006. Và giai đoạn thứ ba chính là lúc các khoản đầu tư của các công ty công nghệ cao như Intel, HoneyWell, Jabil... chính thức được đưa vào Việt Nam.

Ở thời điểm hiện tại, Herb đang trăn trở về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Trong bối cảnh môi trường đầu tư phải đối mặt với thách thức lớn khi tình hình kinh tế vĩ mô đang có những khó khăn nhất định, nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang lao đao. “Ở Việt Nam, chi phí vận chuyển nội địa chiếm tới 25% giá thành sản phẩm (tính theo GDP). Trong khi đó, ở Hoa Kỳ chi phí này chỉ 8%. Mọi thứ được vận chuyển nhanh và rẻ, nên hiệu quả kinh doanh tăng cao. Cơ sở hạ tầng tốt là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế. Khi là tùy viên thương mại ở Osaka, Nhật Bản, chúng tôi đã góp phần thuyết phục Chính phủ Nhật Bản chú trọng xây dựng hạ tầng tốt và sử dụng nhiều yếu tố nước ngoài vào đó. Ví dụ, dùng nhà thiết kế nước ngoài để xây dựng Sân bay Kansai nhằm phát triển kinh tế ở đây. Họ phát triển hình thức PPP - Hợp tác công tư…”, ông kể lại.

Chắc chắn không chỉ riêng nút thắt về hạ tầng cần phải gỡ để môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí của mình trong chiến lược đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới. Chắc Herb cũng như các cộng sự của mình ở AmCham còn nhiều việc phải làm để kết nối thành công những nhà đầu tư toàn cầu, các nhà đầu tư Hoa Kỳ với nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, như ông chia sẻ, thì động lực mà ông có được ở Việt Nam chính là nhờ những con người, những doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, trong đó đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam đang tạo nên niềm tin về một tương lai thực sự xán lạn...

Herb Cochran, Giám đốc điều hành Amcham Vietnam

Herb Cochran đã từng sống ở Việt Nam trước năm 1975. Ông từng làm tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Nhật Bản, Thái Lan trước khi làm việc tại Việt Nam vào năm 1997. Trước khi gia nhập AmCham, Herb là Tùy viên thương mại tại Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và cán bộ thương mại tại Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM. Năm 1998-1999, ông thành lập Văn phòng thương mại của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM.

Hai năm (2010-2011), UBND TP.HCM trao tặng bằng khen cho Herb Cochran và AmCham Vietnam về các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư, tặng học bổng cho sinh viên và dự án từ thiện xã hội.

Hiện nay, AmCham Vietnam tại TP.HCM có hơn 450 công ty thành viên, hơn 1.000 đại diện. Đa số các hoạt động tại AmCham là mở rộng, dành cho cả những công ty chưa phải là thành viên.

Theo Báo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.