Theo truyền thống của người Việt Nam, ngày Tết, nhà nào cũng chuẩn bị mâm ngũ quả để cúng gia tiên và thể hiện những ước muốn của mình cho năm mới đến.

Năm là số quả trong mâm tượng trưng cho sự sống, theo quan niệm của người xưa tượng trưng cho năm yếu tố ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Ngoài ra, số 5 là số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi, nảy nở.

Việc trưng mâm ngũ quả miền Bắc và miền Nam khác nhau do quan niệm mỗi miền, và ngày nay cũng không quá khắt khe trong việc chỉ chọn 5 loại quả. Tuy nhiên nếu khéo chọn sao cho hài hòa âm dương ngũ hành, không những đem lại giá trị thẩm mỹ mà còn thúc đẩy sinh khí, hưng vượng cho gia chủ nhân dịp xuân về.

Xét về mặt âm dương ngũ hành, mâm ngũ quả hài hòa nên có các yếu tố bổ sung, tương hỗ cho nhau, giống như bản chất cuộc sống trong tự nhiên và xã hội. Cần cân đối giữa những trái cây có màu xanh hay màu nhạt, dịu mát - tượng trưng cho âm với các màu nóng như đỏ cam, vàng rực - tượng trưng cho dương.

Người Việt cũng chuộng hành thổ (sinh kim, tiền tài) và mộc (phát triển, nảy lộc, bám rễ lâu bền) nên mâm ngũ quả chủ yếu là các trái có vị ngọt (thuộc thổ) như lê, dưa hấu, đu đủ, xoài.... và những trái có vị chua (thuộc mộc) như bưởi, cam.

Ý nghĩa một số loại quả trong mâm ngũ quả:

  • Lê: ngọt thanh ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.
  • Lựu: nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống, đông đúc.
  • Phật thủ: giống như bàn tay Phật, che chở cho con người.
  • Táo đỏ: phú quý.
  • Hồng, quýt: tượng trưng cho sự thành đạt.
  • Thanh long: ngụ ý rồng mây gặp hội.
  • Bưởi, dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn.
  • Nải chuối: che chở, bảo bọc. Tuy nhiên, người miền Nam không trưng chuối vì phát âm giống từ "chúi" có nghĩa đi xuống.
  • Quả trứng gà: có hình như trái đào tiên - lộc trời.
  • Dừa: có âm tương tự như là "vừa", có nghĩa không thiếu.
  • Sung: sung túc, sung mãn về sức khỏe và tiền bạc.
  • Đu đủ: mang đến sự đầy đủ, thịnh vượng.
  • Xoài: có âm như "xài", cầu mong tiêu xài không thiếu thốn.

Chọn cây chưng ngày Tết

Ngày Tết, người miền Bắc hay bày đào, quất; còn người miền Nam thì trưng mai vàng. Nhưng theo phong thủy, việc chọn cây là chọn theo hành mệnh gia chủ làm chủ đạo, rồi bổ sung thêm hành sinh chủ và hành chủ sinh, điểm xuyết hành chủ khắc tại các vị trí xấu, còn lại để tự nhiên và bố trí theo công năng, thẩm mỹ.

Ví dụ, một ngôi nhà mà gia chủ thuộc hành kim, nhà sơn màu trắng hoặc ghi sáng thì nên chọn các cây có tán tròn, đặt trong chậu vuông hoặc tròn (thổ sinh kim), đồng thời có thể thêm một số cây thủy sinh để kim sinh thủy.

Cũng nên căn cứ vào đặc tính của nơi bố trí cây chứ không chỉ thuần yếu tố cá nhân, vì có lúc khắc lại tốt hơn là sinh. Ví dụ, nếu phòng khách có sơn mảng tường màu đỏ hoặc cam (thuộc hỏa) thì hãy chọn cây có dạng thấp và nhấp nhô, tán tròn, lá xanh đậm (thuộc kim và thủy, là hai hành xung khắc với hỏa) để giảm bớt tính của hỏa.

Sân nhà vuông vức, tường xung quanh kín (thuộc thổ) thì nên dùng cây thuộc hai hành mộc (cây lá có màu xanh, chậu đá xanh) và thủy (những cây trồng trong nước, chậu màu xanh lam hoặc thủy tinh trong suốt) để khắc chế tương tác, giảm đi sự bằng phẳng vuông vức đơn điệu. Nếu trong trường hợp này dùng cây hành hỏa (cây có hoa lá màu đỏ hoặc cam, dáng cây nhọn) nhằm tương sinh thì lại càng làm cho không gian thêm ngột ngạt.

Mỹ Anh (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.