Chuyện xây nhà trái phép, chờ giải toả đền bù là câu chuyện không còn mới ở TP. Đà Nẵng. Tình trạng xây dựng trái phép gây phức tạp tình hình đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn. Dư luận bức xúc, làm mất công bằng, công khai và dân chủ trong đền bù, giải tỏa và bố trí tái định cư…

Xây nhà vào… ban đêm

Gần đây, khi nghe tin dự án đường vành đai phía Nam TP. Đà Nẵng tiếp tục triển khai giai đoạn 2, nhiều hộ dân ở huyện Hòa Vang đồng loạt cơi nới, xây mới nhà cửa trái phép để chờ giải tỏa. Tình trạng này diễn ra khá “nóng” ở các xã Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Tiến…


Công trình xây dựng trái phép ở Hoà Vang đã bị tháo dỡ

Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn Hoà Vang đã có 76 trường hợp xây dựng trái phép. Trong đó, tập trung nhiều ở Hoà Phước 59 trường hợp với 64 biên bản được lập. Tại đây, ngoài 2 trường hợp xây nhà mới, số còn lại cơi nới mái hiên, tường rào, công trình phụ... Tương tự, ở Hòa Châu 9 trường hợp, Hòa Khương có 6 hộ dân xây dựng, cơi nới trái phép.

Tuy chính quyền đã tăng cường kiểm tra, nhưng khó ngăn chặn tình trạng xây dựng trái phép. Bởi, người dân thường lén lút thi công vào… ban đêm, hoặc ngày nghỉ, lễ. Thậm chí, để qua mặt cơ quan chức năng các hộ gia đình còn cắt cử người chốt chặn ở đầu đường, cuối xóm nếu phát hiện người lạ sẽ dừng việc thi công, tẩu tán vật liệu ngay trong đêm…

Ông Võ Trần Minh Long, Chủ tịch UBND xã Hòa Phước cho biết, có những trường hợp người dân từ các địa bàn khác trong thành phố, đã “quen” với việc xây nhà, chờ giải toả như ở phường Hoà Xuân nên địa phương đầu tư cho người dân ở đây xây dựng trái phép. Sau khi, ốp lát, sơn sửa lại nhà cửa… những đối tượng đầu cơ này thỏa thuận chia giá trị đền bù có được theo tỷ lệ 50-50% với hộ có nhà, đất ở…

Về phía người dân, thấy không mất gì lại được “nâng cấp” nhà cửa, bờ rào cửa ngõ… nên gật đầu đồng ý. Bên cạnh, việc xây dựng, cơi nới của người dân còn nhận được sự tiếp tay từ chủ thầu xây dựng hay các cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng trên địa bàn.

Những hộ gia đình không được giới đầu cơ hỗ trợ, phải thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng, vay tiền xây dựng các căn nhà dã chiến. Thậm chí, có người còn vay “nóng” tín dụng đen với lãi suất cao để xây dựng các công trình trái phép.

Cũng theo ông Võ Trần Minh Long, do xây dựng tạm bợ những công trình trái phép này được cơi nới, mở rộng trong khuôn viên tạo nên những hình thù méo mó, quái dị. Khi xây xong, nhiều nhà cửa đóng, then cài chứ không dám ở vì sợ… sập. Điều đáng tiếc, tình trạng xây dựng trái phép ở dự án quy hoạch đường vành đai phía Nam đi qua Hòa Vang có cả những đảng viên, cán bộ đang công tác cũng vi phạm...

Xử phạt nhẹ tay

Chuyện xây nhà trái phép, chờ giải toả đền bù là câu chuyện không còn mới ở TP. Đà Nẵng. Trước đó năm 2009, cũng đã có hàng chục trường hợp xây dựng, cơi nới nhà cửa trái phép của người dân trong hành lang dự án mở rộng tuyến ĐT 602 qua xã Hòa Sơn đã bị cưỡng chế giải tỏa. Đến năm 2011, khi thực hiện dự án Khu Công nghệ cao, Công nghệ Thông tin… trên địa bàn xã Hòa Liên cơ quan chức năng cũng đã phát hiện khoảng 30 ngôi nhà và công trình phụ được xây dựng trái phép.

Mới đây, trước thời điểm dự án Nguyễn Tất Thành nối dài được triển khai, nhiều hộ dân xã Hòa Liên cũng đã cấp tốc xây dựng nhà cửa, với hy vọng được nhận tiền đền bù. Kể cả khi quy hoạch dự án được công bố, chủ đầu tư dự án CTCP Trung Nam cùng chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra thực địa, đồng thời quay phim để kiểm soát tình hình. Nhưng sau đó vẫn có những hộ dân lén lút, xây dựng, cơi nới các công trình.

Tình trạng xây dựng trái phép gây phức tạp tình hình đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn. Dư luận bức xúc, làm mất công bằng, công khai và dân chủ trong đền bù, giải tỏa và bố trí tái định cư…

Theo nhiều người, nguyên nhân chính khiến tình trạng xây dựng trái phép ở TP. Đà Nẵng gia tăng trong những năm gần đây do ý thức của người dân. Họ biết việc làm của mình là sai nhưng vẫn làm liều. Nhiều người tìm đủ mọi cách xây nhà trái phép để mong được đền bù, cấp đất, chung cư khi chính quyền tiến hành giải tỏa, quy hoạch... Nếu bị phát hiện cũng chỉ bị xử phạt hành chính, nhắc nhở rồi buộc tháo dỡ công trình.

Trong khi đó, theo Bí thư huyện ủy Hòa Vang Lê Văn Toàn, chính quyền các cấp còn lơi lỏng quản lý, xử lý vi phạm thiếu kiên quyết. Lực lượng chủ công là Đội Kiểm tra quy tắc đô thị xử lý chưa kiên quyết với những trường hợp vi phạm. Nếu để ra sai phạm cũng mới chỉ xử lý kỷ luật theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”. Ngoài ra, còn do thời gian công bố quy hoạch dự án đến thời điểm kiểm định áp giá đền bù kéo dài gây khó khăn trong quản lý quy hoạch và ngăn chặn xây dựng trái phép.

Nhằm mạnh tay hơn với tình trạng xây dựng trái phép, mới đây ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy TP. Đà Nẵng đã ra “tối hậu thư” đối với Hòa Vang. Theo đó, huyện phải tổ chức thực hiện tháo dỡ tất cả các công trình xây dựng trái phép, trả lại nguyên trạng khu dân cư. Rà soát hồ sơ kiểm định giải tỏa đền bù, đối chiếu hiện trạng các hồ sơ nhà đất của hộ giải tỏa ở dự án đường vành đai phía Nam. Xử lý nghiêm đối với những đảng viên, cán bộ, công chức có xây dựng trái phép tại khu vực dự án…

Nghi Lộc (Thời báo ngân hàng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.