Để có được dự án, các chủ đầu tư cũng phải chi nhiều tiền để “chạy” quan chức, giờ nói thu hồi không phải dễ làm đâu. Họ chỉ nói để cho thấy quyết tâm thôi.

Ông Phạm Sỹ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng VN đã nói như vậy khi trao đổi với phóng viên VnMedia về chủ trương thu hồi các dự án chậm triển khai trên địa bàn Hà Nội.

Để minh chứng cho điều mình đã nói, ông Liêm nói “Tôi biết có dự án tại Hà Nội nhà nước giao cho doanh nghiệp với giá trên hợp đồng 7 triệu đồng/m2 nhưng trên thực tế người ta phải trả gấp 4 lần vào khoảng 36 triệu đồng/m2. Khoảng tiền chênh lệch 10 triệu USD và phải chia cho nhiều người. Số tiền này đi đâu thì không ai biết, còn Nhà nước chỉ thu 7 triệu đồng thôi. Mặc dù có vấn đề như vậy nhưng nếu quyết tâm thì vẫn có thể ép được chủ đầu tư giao lại. Nhưng tôi tin, họ chỉ hô to để cho thấy quyết tâm chứ không ai làm đâu”.

Ông Phạm Sỹ Liêm cũng cho biết, chủ trương thu hồi dự án là xét trong bối cảnh thị trường bất động sản suy thoái, trên thế giới các nước cũng áp dụng phương án như vậy . Nó cũng là một cách để giúp cho thị trường hồi phục, nhưng dự án bị dừng phải nói rõ nguyên nhân, dừng để làm gì?. Nếu thị trường đang suy thoái, Nhà nước thu hồi rồi lại giao cho người khác làm thì không nên. Theo đề xuất của ông Phạm Sỹ Liêm, tốt nhất khi thu hồi dự án nên đấu giá cho các thành phần kinh tế để họ phát triển mô hình kinh tế trang trại.

Ảnh minh họa

Trước đó, để khắc phục tình trạng tồn kho bất động sản, nghị quyết 02 của Chính phủ yêu cầu thu hồi các dự án bất động sản chậm triển khai. Bộ Xây dựng đã đưa ra đề xuất tạm dừng, không cho triển khai tiếp các dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị chưa giải phóng mặt bằng, hoặc giải phóng mới chỉ đạt 30% diện tích tại các địa phương trên cả nước.

Theo số liệu thống kê tại Hà Nội, trong số hơn 3.700 dự án (với hơn 90.000 ha diện tích) thì hiện có tới 2.900 dự án đang được tiếp tục triển khai, 413 dự án phải tiến hành điều chỉnh quy hoạch và chỉ có 411 dự án buộc phải tạm dừng. Như vậy, theo Bộ Xây dựng, với con số 411 dự án phải tạm dừng là quá ít so với thực tế, điều này thể hiện sự thiếu kiên quyết của nhiều địa phương trong việc rà soát lại các dự án, tiến hành phân loại theo chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường quản lý thị trường BĐS. Vì vậy, Bộ Xây dựng tiếp tục yêu cầu dừng không triển khai tiếp dự án nhà ở giải phóng mặt bằng hoặc dở dang dưới 30% diện tích dự án ở tất cả các địa phương trên cả nước.

Đối với những dự án giải phóng mặt bằng dưới 70% diện tích thì các địa phương phải chủ động đưa ra các phương án giải quyết. Những dự án đã giải phóng mặt bằng trên 70% diện tích, đang thi công dở dang và gặp khó trong thanh khoản thì được phép cơ cấu lại theo hướng tăng căn hộ có diện tích nhỏ dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Những dự án nhà ở thương mại cũng được phép chuyển công năng sử dụng sang nhà dịch vụ, văn phòng, trung tâm thương mại nếu cần thiết; tiến hành phân loại, lựa chọn một số dự án phù hợp chuyển sang làm nhà ở xã hội phục vụ cho người thu nhập thấp và công nhân ở các khu công nghiệp.

Đối với những dự án không phù hợp với nhu cầu, kế hoạch phát triển của địa phương thì tiến hành điều chỉnh mục đích sử dụng đất có thời hạn và cho phép kinh doanh tạm kể cả đã giải phóng mặt bằng xong. Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương rút ngắn thời gian thẩm định, xem xét và chuyển đổi cơ cấu, công năng căn hộ, bố trí ngân sách mua lại các dư án nhà thương mại phục vụ tái định cư, nhà ở xã hội cho thuê và thuê mua.

Tuy nhiên, tiêu chí dừng các dự án đã được Bộ Xây dựng đưa ra khá rõ ràng nhưng việc có dừng được hay không thì lại phụ thuộc vào UBND các tỉnh thành phố và các sở ban ngành. Trong đó, đặc biệt tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương đã cấp nhiều dự án nhất hiện nay.

Anh Đào (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.