Dấu hiệu thị trường bất động sản đang sôi động trở lại.
Giao dịch BĐS tăng vọt
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, hai tháng đầu năm 2015, thị trường địa ốc tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM ghi nhận số lượng giao dịch nhà đất thành công tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014.
Trong 3 tháng đầu năm, giao dịch bất động sản tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tại Hà Nội, trong tháng 3 có khoảng 1.500 giao dịch thành công, tăng 25% so với tháng 2. Cả quý I/2015 có 4.250 giao dịch thành công, gấp gần 3 lần số giao dịch thành công của quý I/2014.
Còn tại TPHCM, trong tháng 3 có khoảng 1.400 giao dịch thành công, tăng gần 30% so với tháng trước. Tính chung trong quý I/2015 tại TPHCM có khoảng 3.950 giao dịch thành công, gấp 3 lần số giao dịch thành công so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký VNREA phân tích, năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, thị trường BĐS không chỉ có những tín hiệu hồi phục mà đang từng bước chuyển mình sang giai đoạn mới, một chu kỳ phát triển mới sau thời gian dài trầm lắng. Ngay từ đầu năm 2015, giao dịch mua bán đã tăng trở lại, nhiều dự án được tái khởi động, dòng tiền đầu tư và đặc biệt là niềm tin đang từng bước trở lại với thị trường BĐS.
“Để có sự hồi phục như hiện nay, phải kể đến sự quyết tâm của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước. Điều này không chỉ bằng những khẩu hiệu đơn thuần mà bằng những hành động cụ thể như việc tiếp cận sâu sát hơn thị trường, cho ra đời hàng loạt chính sách có tính thực tiễn cao nhằm định hướng, hỗ trợ, thúc đẩy kịp thời thị trường phát triển. Trong đó, cố gắng bền bỉ, không mệt mỏi của các doanh nghiệp BĐS là nhân tố có vai trò cực kỳ quan trọng”, ông Quang nói.
Nhận định về thị trường BĐS năm 2015 có nhiều tín hiệu vui, ông Trần Kim Chung - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, mười năm một lần, thị trường BĐS bước vào một chu kì phát triển. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong đó có cả những tập đoàn danh tiếng khu vực Trung Đông đang quan tâm đặc biệt đối với các dự án bất động sản Việt Nam với quy mô hàng tỷ đô la.
Lo ngại chung cư bị “thổi giá”
TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Ngân hàng (Trường ĐH Mở TPHCM) cho rằng: “Thị trường hấp thụ tốt, giao dịch tăng mạnh, chủ đầu tư chắc chắn sẽ nghĩ đến chuyện tăng giá. Mặt khác, giới đầu tư thứ cấp cũng không bỏ lỡ cơ hội kiếm lời, dẫn đến giá chênh xuất hiện. Thị trường thiếu minh bạch và người mua phải gánh chịu thiệt thòi.
Do đó, ngoài việc bản thân các chủ đầu tư, sàn giao dịch cần làm ăn chân chính, giữ đạo đức nghề, tôn trọng người mua, các cấp quản lý cũng nên xem xét đến cách thức để kiểm soát, điều tiết hiện tượng này. Bản thân khách hàng cũng cần tỉnh táo khi mua nhà, tránh tiếp tay”.
Một giám đốc Cty địa ốc cho rằng, với những kinh nghiệm rút ra từ cuộc khủng hoảng năm 2007, không chỉ doanh nghiệp mà cả khách hàng sẽ thận trọng hơn rất nhiều với bất kỳ một hoạt động mua bán nào khi thị trường BĐS phục hồi. Điều đó sẽ giúp thị trường BĐS ổn định hơn.
Tuy nhiên, vị giám đốc này cũng khuyến cáo, để đề phòng tình trạng đầu cơ có thể tăng mạnh và đồng tiền được sử dụng một cách đúng đắn nhất, các khách hàng cần cẩn trọng lựa chọn dự án phù hợp với tình hình tài chính cũng như chọn lựa những nhà đầu tư uy tín trên thị trường.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhìn nhận, vấn đề nghi ngại hiện nay, là quá nhiều dự án mới đang chào bán làm tăng nguồn cung, cũng như giá trị BĐS còn phụ thuộc khá lớn vào khả năng triển khai dự án và quản lý khi đi vào sử dụng. Theo ông Hiển, để loại trừ hai yếu tố quan ngại vừa nêu, chúng ta nên chọn BĐS có địa điểm tốt và chủ đầu tư uy tín. Không nên lấy tiêu chuẩn giá thấp là ưu tiên chọn lựa.